Nguyễn Thúy Hằng: Nghệ thuật không phải nơi cứu hay chôn mình

625

Là nghệ sĩ hiếm hoi của Việt Nam đi song song hai con đường văn chương và nghệ thuật thị giác, đều đặn giới thiệu các tác phẩm với những sáng tạo không giới hạn biên độ. Gần đây, Nguyễn Thúy Hằng còn có ý tưởng tự tổ chức dịch tác phẩm văn chương của mình cùng các tác giả Việt Nam khác để giới thiệu quảng bá ra quốc tế, song song đó là triển lãm tác phẩm thị giác.

Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng Ảnh: Lâm Thuận Hiếu

Vì sao chị chọn đi giữa hai trạng thái biểu đạt của mỹ thuật và văn chương?

Nghệ sĩ Nguyễn Thúy HằngĐơn giản vì con người tôi sinh ra đã như thế. Văn chương và mỹ thuật cũng chỉ là hình thức mà thông qua đó tôi có thể kể lên câu chuyện của tôi một cách tốt nhất.

Sau mỗi tác phẩm, tâm trạng của chị thường ra sao?

– Tôi thường sẽ câm nín, im lặng, trở về sự thả lỏng hàng ngày. Vì điều tôi muốn nói nhất đã nằm trong tác phẩm, nên tôi không có nhu cầu phải giãi bày thêm. Sau đó tôi thích tự thưởng cho mình đi đâu đó, một nơi đẹp, thưởng thức thời tiết và… nhấm nháp. Tôi cần thời gian để làm mình no đủ trở lại.

Làm nghệ thuật, có phải là sự giải thoát của chị khỏi những cơn trầm của đời mang lại, hay càng làm chị lún sâu vào nỗi buồn không lối thoát?

– Tôi nghĩ tùy theo mỗi người lựa chọn. Với tôi nghệ thuật không chỉ là giải thoát hoặc đó là nỗi buồn không lối thoát. Vì như vậy nó sẽ không được tự nhiên. Tôi nghĩ nghệ thuật là bạn đồng hành của mình, vui buồn có nhau, nếu nó là một nỗi khổ thì khổ cùng nhau. Nó không phải là nơi cứu rỗi hoặc là nơi tự chôn mình. Nó phải được tự do có mọi không gian và cảm xúc, cùng tồn tại hoặc lớn lên với mình.

Từ ý tưởng nào, chị chọn dịch các tác phẩm văn chương Việt Nam để đưa đến bạn đọc trên thế giới?

– Trong mỗi dịp được tiếp xúc, quan sát tác phẩm của các bạn trên thế giới, tôi nhận thấy tác phẩm văn chương của Việt Nam có đầy những tác phẩm hay, đi theo lịch sử thăng trầm của một đất nước, nhưng lại rất ít được chuyển ngữ và giới thiệu ra bên ngoài. Có thể nói văn chương Việt Nam hiện nay kém phát triển nhất trong khu vực. Chẳng hạn, bên Cambodia hoàn toàn không có một nhà xuất bản chính thống (từ tư nhân đến nhà nước), các nhà văn phải tự in và tự bán, nhưng đến nay họ đã tự tìm đường giới thiệu, tự nuôi dưỡng nhau và tự tin khi đem tác phẩm đi giới thiệu. Tuy không có một nhà xuất bản nào chính thức nhưng họ lại thành lập được chi nhánh PEN Foundation ở Phnom Penh nhằm duy trì đời sống cho văn chương và hỗ trợ chi phí cho in ấn, giải thưởng và hội chợ sách. Điều này khiến tôi phải nhìn nhận lại Việt Nam và thấy rằng mình có đủ điều kiện hơn, nhưng mình đã tụt lùi quá xa đến mức báo động so với các nước trong khu vực. Chính vì thế, tôi mong muốn rằng công việc chuyển ngữ hoặc in song ngữ Việt – Anh, là hình thức để người Việt sống tại Việt Nam hoặc khắp nơi trên thế giới có thể cập nhật đời sống hiện tại của Việt Nam, các học giả có nhiều tài liệu hơn để nghiên cứu về Việt Nam. Thông qua các tác phẩm này, tôi muốn nhấn mạnh rằng: Việt Nam không chỉ có chiến tranh, mà nó có muôn màu muôn vẻ, có sinh sôi có lụi tàn và có hơi thở của thời đại như bất cứ quốc gia nào khác.

Kết quả từ công việc đó hiện ra sao? Bạn đọc đón nhận thế nào?

– Tuy đây chỉ là bước khởi đầu nhỏ nhưng tôi đã nhận được sự quan tâm từ các em học sinh và các cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Khi tiếp xúc mới thấy thật ra khán giả bị thiếu thốn và rất muốn tìm hiểu về nghệ thuật và văn chương đương đại của Việt Nam. Các độc giả nước ngoài không tìm được cuốn sách nào mang hơi thở cuộc sống hiện đại mà chỉ vỏn vẹn vài cuốn viết về chiến tranh. Họ mong muốn được đọc nhiều hơn nữa và rất muốn đến tham gia lắng nghe thảo luận về những đề tài này.

Dự định tiếp theo của chị về sáng tác cũng như tiếp tục dịch và xuất bản thơ, phát hành trên các nước?

– Thời kỳ này tôi không muốn dừng lại chỉ sáng tác cho bản thân. Tôi nghĩ đã đến lúc tôi muốn làm cho nhiều tác giả khác và cho cộng đồng nghệ thuật Việt Nam nhiều hơn nữa, nên ngoài tiếp tục in tuyển tập truyện ngắn gồm 7 cuốn song ngữ Việt – Anh “Những lũ đời mộng mơ khốn khiếp/ Goddamn life dreamers” trong 2019-2020 – và giới thiệu bộ sách này trong triển lãm cá nhân “My life as fictional story” tại Thuỵ Điển và có thể tại Paris vào cuối năm nay – thì tôi và các bạn trẻ cùng nhau thành lập Bar De Force Press để liên kết với các nhà xuất bản nước ngoài nhằm giới thiệu văn chương Việt Nam, trải dài từ trước 1975 cho đến nay, đồng thời thực hiện trao đổi những cuộc đối thoại văn chương giữa các nước Đông Nam Á, Mỹ và Australia. Chẳng hạn, một thành viên trong chúng tôi đang cộng tác với một nhà xuất bản bên Australia để thực hiện phỏng vấn 6 tác giả gốc Việt sinh sống tại Việt Nam và Australia (từ kịch nghệ, phim, văn chương…) để bổ sung nguồn nghiên cứu về ngành Việt Nam học cho các học giả và nghiên cứu sinh bên Australia. Tuy công việc này rất khó và đòi hỏi nhân lực, kinh tế và thời gian, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn thực hiện dần dần công việc giới thiệu này để giúp cho tác phẩm của các tác giả Việt Nam đi xa hơn nữa. Và chúng tôi sẵn sàng nhận mọi sự trợ giúp từ cộng đồng nghệ thuật, nếu ai muốn chung tay thì xin mời liên lạc với chúng tôi!

Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này!

            Việt Quỳnh
 (Theo Đại Đoàn Kết)