Nhà văn Hải Hà – Cô y tá nhỏ

1798

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn  Hải Hà tên khai sinh là Nguyễn Thị Tuyết Sương sinh ngày 24/06/1952, Quê quán: Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định, lớn lên: Tại Tp Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện sống và làm việc tại TPHCM. 

 

Nhà văn Hải Hà

 

TÁC PHẨM XUẤT BẢN:

Chị đã xuất bản 6 tác phẩm văn học trong đó có tác phẩm Cô y tá nhỏ được tái bản 4 lần:

–  Cô Y Tá Nhỏ (Tiểu thuyết – 2005, tái bản 4 lần)

–  Điều Kỳ Diệu (Tập truyện ngắn – 2007)

–  Người Nội Tuyến (Tiểu thuyết – 2009, tái bản 2013)

–  Sóng Ngầm Phố Núi (Tiểu thuyết trinh thám – 1010)

–  Vớt Trăng (Thơ – 2013)

–  Nỗi Niềm Oan Khuất (Tiểu thuyết – 2019)

–  Hai truyện ngắn: “Chống Càn” và “Ba Thế Hệ Thầy Giáo” vào vòng chung khảo cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh niên, sinh viên và học sinh (do Bộ Giáo dục đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) và nhiều truyện, thơ in chung khác.

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC:

Tặng thưởng Đặc biệt với tiểu thuyết Sóng Ngầm Phố Núi (Cuộc thi viết vế đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007-2010” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức).

QUAN ĐIỂM VĂN HỌC:

Với tôi, viết văn là một sân chơi trí tuệ hết sức thú vị và vô cùng bổ ích! Nhiều đêm trở giấc, tôi tự hỏi mình đến với văn muộn hay văn đến với mình muộn?

ẢNH TƯ LIỆU:

 


“CÔ Y TÁ NHỎ” – VIẾT TRUYỆN CHIẾN TRANH.

Nguyễn Văn Thưởng

Vào một đêm trăng tại một khu rừng ở chiến khu Đông Nam Bộ thời chống Mỹ, có cô y tá và anh y sĩ quân y nguyện ước đến ngày đất nước thống nhất sẽ cùng viết một cuốn sách để kể về cuộc chiến tranh khốc liệt mà họ trải qua và về mối tình trong sáng của họ. Phải đến 30 năm sau ngày thống nhất, lời hẹn ước ấy mới được thực hiện.

Cuốn sách vừa bất ngờ lọt vào vòng chung khảo cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên phối hợp với báo Văn Nghệ tổ chức. Nhưng bây giờ sách chỉ mang tên một tác giả, chính là cô y tá chiến khu năm xưa dù sau ngày đất nước thống nhất cô đã có được hạnh phúc lấy người mình yêu. Thành lưới đôi, hai vợ chồng thỉnh thoảng nhắc nhau: “Chúng mình vẫn chưa viết đựơc cuốn sách như dự kiến”. Rồi quyết định mua bảo hiểm nhân thọ để đến tuổi nghỉ hưu sẽ viết sách. Thế nhưng không bao lâu sau ngày thực hiện hẹn ước cũ, người chồng đột ngột qua đời.

SỐNG  LẠI  MỘT  THỜI  HÀO  HÙNG.  Chị Nguyễn Thị Tuyết Sương kể rằng trong suốt hai năm sau ngày chồng mất, chị vẫn không tin đó là sự thật. “Thậm chí đến ngày sinh nhật, tôi vẫn có cảm giác ngồi chờ ảnh về tặng qùa như hồi còn sống… Tôi đã khóc suốt trong hai năm đầu vắng ảnh”. Nhưng chị đã gượng dậy, quyết thực hiện ba nhiệm vụ mà chị đã nguyện trước vong linh của chồng: Chăm sóc mẹ chồng, nuôi dưởng các con và đặc biệt là phải viết xong cuốn sách của hai người.

Khi một nửa vầng trăng này vụt tắt cũng là lúc nửa vầng trăng kia ngời sáng lên, giúp soi sáng một khoảng ký ức về cuộc chiến đã qua bên cạnh những đồng chí, đồng bào trên quê hương Lâm Đồng và về tình yêu sáng như vầng trăng giữa rừng của anh và chi. Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống cách mạng, từ năm 14 tuổi chị Tuyết Sương đã thoát ly gia đình để làm giao liên, sau đó làm y tá cho những trạm xá dã chiến ở vùng mũi nhọn, và có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng thị xã Bảo Lộc (28/3/1975). Cô y tá nhỏ với tác giả là một LỜI ĐÁP TẠ , đáp tạ xương máu của những người đã nằm xuống, đáp tạ ân tình của biết bao người còn sống hay đã mất. Dù được thể hiện dưới hình thức tiểu thuyết nhưng cô y tá nhỏ nói đúng hơn là một chuyện ký chiến tranh.

Vào một buổi tối giữa 2001 hơn hai năm sau ngày chồng mất, chị Tuyết Sương đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuống sách. Và cái tựa Cô y tá nhỏ xuất hiện ngay trong đầu chị mà không hề suy nghĩ: “Hồi ấy khi vào làm y tá tại bệnh xá dã chiến X3 ở chiến khu, tôi mới 14 tuổi. Không hiểu sao hễ ai gặp tôi lần đầu cũng đều kêu là cô y tá nhỏ. Tôi thích nghe mọi người gọi bằng biệt danh đó và mãi đến sau này, khi tôi đã trưởng thành vẫn thích được gọi vậy!”.

Ngày từng ngày, chị đã âm thầm làm một công việc đầy nhọc nhằn và cũng đầy thú vị mà mình chưa từng trải qua bao giờ: viết văn! Ban đầu chị viết ngay trong phòng mạch vào những lúc không có bệnh nhân. Cắm cúi ghi ghi chép chép hết cuốn tập học trò này đến cuốn khác, chị viết như là mê sảng. Trong khi chị lạc vào thế giới khác, mọi người chung quanh vẫn không biết chị đang làm gì. Cho đến khi cảm thấy hứng thú của công việc đột xuất lấn ác cả nghề chính, chị quyết định đóng cửa phòng mạch để toàn tâm viết văn. Chị viết cả ngày lẫn đêm. “Hồi ức giống như những thước fim chiếu chậm. Tôi hầu như nhìn vào đó mà tái hiện chứ không hư cấu gì, cũng không biết rồi nó sẽ đi về đâu chứ đừng nói phân chương phân đoạn. Có lẽ do viết lại hầu hết từ những chuyện có thật nên tôi viết khá liền mạch” – Chị Tuyết Sương tâm sự.

Và đêm nào cũng vậy trước khi viết chị đều thắp hương khấn nguyện trước bàn thờ chồng mong anh tiếp thêm nghị lực để mình có thể đi hết đoạn đường gian nan.

CÔ  Y  TÁ  NHỎ  LÀ  HIỆN  THÂN  CỦA  TÁC  GIẢ.  Bản thảo viết tay của Cô y tá nhỏ ngay sau khi hoàn thành được chuyền tay cho những bạn thân của tác giả đọc. Một trong những người đầu tiên đọc nó là một họa sĩ ở Đà Lạt khẳng định rằng cuốn sách có thể dựng thành fim được, sau đó sách được chuyển đến cho một người cầm bút của địa phương. Sau khi đọc xong tập bản thảo, từ Đà Lạt, nhà văn Chu Bá Nam đã sốt sắn gọi điện ngay cho tác giả mà ông chưa một lần gặp mặt với nhận định: “Những trang đầu thì bình thường nhưng càng về sau thì càng lôi cuốn”, sau đó ông còn gợi ý cho tác giả từ cách phân chương phân đoạn, thắt gút như thế nào đến cả việc chữa morasse. Cũng theo ông, đây là một tác phẩm hiếm hoi viết về cuộc kháng chiến của quân và dân ở vùng chiến khu Lâm Đồng thời chống Mỹ. Ông giục chị Tuyết Sương đánh máy và gửi ngay ra Hà Nội tham dự cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ lúc cuộc thi này đã phát động được một năm.

Riêng người viết bài này được đọc câu chuyện kể về mối tình cô y tá nhỏ và anh y sĩ quân y trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh – từ năm 1966 đến ngày giải phóng (/30/4/1975) – từ bản đánh máy đầu tiên. Tâm tình mộc mạc, giản dị của “cô y tá nhỏ” đã vang vọng suốt tác phẩm. Qua những trang sách mà tác giả đã rút ruột để viết có thể hình dung được bức chân dung một thế hệ trẻ trong chiến tranh. Ngày ấy, trong tiếng bom đạn rền vang, mỗi khoảnh khắc thương yêu nhau đều trở thành bất tử. Món quà họ tặng cho nhau chỉ là một đôi dép cao su tự chế thôi, nhưng đã trân trọng giữ gìn bên mình suốt cả cuộc đời như giữ một vật thiêng khi người tặng dép đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó trên chiến trường.

Gần cuối cuốn sách, cô y tá nhỏ (Hà) sau khi chôn tạm một đồng đội không còn nguyên vẹn hình hài tại một góc rừng chưa được bao lâu thì đã lại tiếp tục tay không đào huyệt để chôn một đồng đội khác.

“… Đưa thi thể Khang xuống huyệt mới là khó khăn hơn nhiều. Người chết vốn đã nặng mà Khang lại to con… Hà còn nhớ câu Khang nói về Hào, và giờ đây, như đang văng vẳng bên tai cô: “Anh biết em đã làm được điều đó. Em có nhớ vuốt mắt cho anh Hào không?” Hà tự nhủ thầm “Vâng, em sẽ làm được anh ạ. Em đã vuốt mắt cho anh, giờ đây cho phép em đặt thi thể anh xuống huyệt. Hãy giúp em thêm sức mạnh”. Rồi Hà cuối xuống bợ đầu anh nhích qua một chút về chỗ huyệt, xuống dưới chân bợ qua một chút, lại lên đầu, rồi xuống chân. Cứ thế, không biết đến bao nhiêu bận. Cuối cùng cô cũng đưa được Khang xuống huyệt ngay ngắn. Song, bùn đất làm anh lem luốc. Hà không đành lòng để như vậy, cô xé tiếp vạc áo bà ba còn lại, xuống suối vò sạch, múc ca nước lên lau mặt cho anh, rồi lại vắt khô nước đắp lên mặt cho anh. Cô nói: “Anh Khang ơi, chỉ có vậy thôi! Em không biết làm gì cho anh hơn nữa… Vĩnh biệt anh!”

Khi sách chính thức đến tay bạn đọc, một trong những ước muốn lớn nhất của tác giả là mong nó sẽ trở thành nhịp cầu hội ngộ những đồng đội xưa đã mất liên lạc sau mấy thập niên. Đồng đội nào nếu đọc được cuốn sách này xin liên lạc với Tuyết Sương./.     ———————————————————————————