Nhớ Trung Thu xưa… – Tạp bút của Võ Văn Thọ

897

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hằng năm cứ đến rằm tháng Tám âm lịch, quê tôi ngày ấy – thời còn bao cấp – là trẻ nhỏ lại háo hức chuẩn bị đón rằm Trung Thu với bao mơ ước của tuổi trẻ hồn nhiên, với những suy nghĩ sáng trong, tràn đầy nhiệt thành. Rằm Trung Thu với ánh trăng tròn sáng tỏ, như ước mơ tròn trịa của trẻ thơ là được nhận quà Trung Thu và được thực hiện trò chơi múa lân, hay đi xem múa lân, do đội lân của Hợp tác xã hay Thôn tổ chức.

Múa lân hoạt động không thể thiếu trong dịp Trung Thu

Ngày ấy không có nhiều bánh, kẹo phong phú như bây giờ, tuy nhiên trẻ nhỏ bọn tôi cũng rất vui, vì chỉ đến rằm Trung Thu, buổi chiều ngày rằm khi tiếng kẻng được làm từ vỏ quả bom Mỹ đã tháo ruột treo trên cây từ Hợp tác xã, hay nhà thôn vang lên. Trẻ thơ cùng trang lứa chúng tôi mới được kéo nhau ra sân hợp tác xã, hay nhà thôn, tập trung xếp hàng ngay ngắn và chờ các mẹ, các chị bưng từng thúng bánh các loại như: bánh ú, bánh nóc chùa, bánh ít lá gai và bánh nậm… do chính tay các mẹ, các dì, các chị gói, nấu trông rất xinh xắn và đẹp mắt. Ngoài ra còn có bánh quy, kẹo ga để phát cho từng đứa trẻ, niềm vui khi nhận được quà còn nóng hổi từ mùi thơm, hương vị đồng quê, từ các loại bánh, kẹo bốc hơi thơm lừng. Cảm nhận mùi vị hương thơm từ các loại bánh mà chảy cả nước miếng… khi nhận quà xong, các mẹ, các chị đều hỏi thăm căn dặn, các con có ai còn thiếu loại bánh nào không, và mong các con, các cháu ngon miệng, vui Trung Thu thật ấm áp, ý nghĩa…

Sau khi nhận quà Trung Thu, niềm vui được nhân lên khi được xem đội lân rồng, hay lân sư tử của thôn tổ chức múa rất đẹp, suốt từ chiều đến đến khuya, ấn tượng nhớ lâu, khi đêm về nằm ngủ, trong giấc mộng còn mơ thấy múa lân, cứ hình dung: Ông Địa với cái miệng rộng cười tươi và cái bụng trắng tròn to, tay cầm cái quạt mo, nhảy múa không biết mệt, hòa với tiếng trống ếch rộn ràng, với ánh đèn ông sao lấp lánh… Còn nhớ những câu thơ bút tre:

Trông rằm để đón trung thu/ Ánh trăng sáng tỏ như ru chị Hằng/ Trống ếch vang vọng rộn ràng/ Lân rồng, sư tử đẹp ngàn ý thơ/ Đêm về thỏa sức mộng mơ/ Được làm ông Địa miệng cười rất duyên!

Mỗi lần nhớ về Trung Thu là như đánh thức tuổi thơ tôi với những mùa Trung Thu xưa vẫn còn nguyên ký ức…

Còn nhớ ngày ấy cả thôn mới có 1-2 đội lân nên không tổ chức đi múa từng nhà, mà chỉ múa tại hợp tác xã hoặc nhà thôn, lúc đó cũng chưa có khái niệm đi múa lân để được nhận tiền cho của từng nhà, nhưng không vì vậy mà kém niềm vui so với bây giờ.

Trước rằm Trung Thu khoảng 1 tuần là trẻ nhỏ đã chờ mong tính từng ngày đến rằm Trung Thu với khí thế rạo rực, đợi chờ như trông mong Tết về…

Hiện nay, kinh tế phát triển hơn trước đây, trước khi đến rằm Trung Thu khoảng nửa tháng, là trẻ nhỏ cấp 1, 2 và thậm chí cấp 3 đã chuẩn bị đầu tư rất kỳ công về con lân được trang trí rất bắt mắt, mỗi đội lân có từ 1 đến 3 cái trống to, thành phần tham gia các đội lân như: Lân rồng, lân sư tử… phân công người đóng vai ông Địa và tập dược rất kỹ càng và đặc biệt những doanh nghiệp tư nhân, cơ quan kinh doanh thường đặt hàng trước về thời gian múa lân và treo thưởng cho đội lân, với quan niệm khi đội lân đến múa tại nơi họ kinh doanh, sản xuất, buôn bán… thì lân sẽ xua đuổi được những yếu tố bất lợi, đem lại sự may mắn, thịnh vượng, phát đạt trong kinh doanh, buôn bán, sản xuất… Ở góc độ khác, trong nhân gian tâm niệm lân là một trong tứ linh: Long-Lân-Quy- Phụng. Lân là biểu hiện của điềm lành, sự trường thọ và niềm hạnh phúc!

Chính vì lẽ đó, rằm trung thu được bảo tồn và coi trọng không những đối với thiếu nhi, được cả xã hội cũng quan tâm hơn. Đây cũng là nét văn hóa ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam ta.

Có thể nói rằm Trung Thu là Tết của trẻ nhỏ ở thôn quê, đã đi vào trong tìm thức, kỷ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ còn nhiều khó khăn thiếu thốn, để bây giờ hoài niệm về quá khứ ấy vẫn thấy yêu hơn cuộc sống. Giờ đây khi mùa Trung Thu đã gần kề, tôi luôn mong muốn cho các con, cháu có mùa trung thu đầy đủ, ấm áp hơn và thật ý nghĩa…

V.V.T