Sài Gòn chữ vội trên vai – Tản văn của Vũ Minh Đức

2218

Với 30 câu chuyện như 30 ngày của một tháng, tác giả muốn nhắn gửi đến bạn đọc hãy sống chậm lại một chút giữa thành phố vội vã để cảm nhận cuộc sống quanh mình đẹp hơn và để cùng nhau sống tử tế, ý nghĩa hơn.


Tác giả – bác sĩ, nhạc sĩ Vũ Minh Đức – với tập tản văn “Sài Gòn chữ vội trên vai”.

Sài Gòn đôi lần bóng mẹ rơi

Thương lắm những người mẹ tuổi già bóng xế, bên bậu cửa dõi mắt chờ con. Những lúc nhớ con quá, không biết làm gì, miệng lẩm nhẩm mấy lời ru con ngày xưa.
Con lớn lên với vô vàn những hình ảnh đẹp về quê hương, trong đó có cánh võng kẽo kẹt đong đưa nhà mình. Cái võng mộc mạc bao người đã nằm, chòng chành những kỷ niệm và năm tháng yêu thương.

Cũng nơi cánh võng này, mẹ dõi mắt nhìn con thơ thức dậy sau giấc ngủ ngoan, nhúc nhích, ngo ngoe những ngón tay tròn mỉm xinh xinh.

“Nhịp võng đong đưa, con xòe bàn tay

Búp non trên cành, hạnh phúc long lanh”.

Tháng năm cứ thế trôi dần theo tuổi thơ con. Con bôn ba đi học xa, đi làm xa, thi thoảng mới ghé về thăm mẹ một lần. Cánh võng mà ngày xưa lũ con tranh nhau nằm, giờ là nơi tựa lưng của mẹ sau những công việc lủi thủi một mình nơi chái bếp. Mẹ nằm nơi đó suy tư về cuộc đời và để chờ – lỡ đâu có đứa nào ngơi việc ghé về thăm mẹ.

“Nhịp võng đong đưa mẹ xòe bàn tay

Níu lấy tháng ngày vuột qua kẽ tay”.

Nghe mà thương quá. Có bao người con hiểu được sự quạnh hiu thăm thẳm đó giữa bộn bề cuộc sống? Đau làm sao khi nghe những lời thế này của mẹ ai đó như đang nài nỉ con mình:

“Con ơi,

giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày

Ăn cơm vãi đầy vạt áo

Chải đầu tay bần bật run

Đừng giục giã mẹ

Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm

Mẹ chỉ cần có con ở bên

Mẹ đủ ấm.

Con ơi,

giờ mẹ chân đi không vững,

nhấc không nổi bước

Mẹ xin con nắm tay mẹ,

Dìu mẹ, chậm thôi

Như năm đó,

mẹ dìu con đi những bước đầu đời…”

Thương lắm những người mẹ tuổi già bóng xế, bên bậu cửa dõi mắt chờ con. Những lúc nhớ con quá, không biết làm gì, miệng lẩm nhẩm mấy lời ru con ngày xưa để được nựng nịu con mình trong ký ức. Thế nhưng:

“Giọng mẹ giờ run, đâu rồi lời ru?”

Ai đó ngồi ru con giọng mượt mà, ngọt lắm làm tôi chạnh lòng. Cánh võng mẹ nằm đong đưa tựa như quả lắc đồng hồ. Mà có quả lắc nào đong đưa mãi đâu.

“Cánh cò bay lả bay la

Bay từ đồng lúa, cò bay về trời

Cánh cò bay lả bay la

Mang theo lời hát mẹ ru một thời”.

Phố vàng hoe

Ai nhớ Mẹ

Mắt nhòe.

Sài Gòn thương cả người dưng

Thôi đừng nổi nóng, cáu gắt làm gì khi thấy một người phụ nữ nào đó tay lái lảo đảo, ngoặt ngoẹo, thậm chí làm choán cả mũi xe đang chạy ngon trớn của mình.
…Sài Gòn đông kịt, ra đường xe với xe, ai cũng ngán. Ông bố chở hai con đi học, chờ đèn đỏ bằng mấy câu bông đùa, tếu táo với hai nhóc cho vui một ngày mới.

Đèn xanh vừa chuyển, ai nấy trờ người lao về phía trước, có chút tranh nhau. Một bà cụ chạy chiếc xe đạp cũ rích xem chừng lạc lõng với cái dòng người xe máy sành điệu đang hối hả này.

Bà cụ nhấn bàn đạp và bị mất trớn, lảo đảo. Cái tay lái chao chao ngoặt sang một bên, thêm cái giỏ xe móp méo ngúc ngoắc lủng lắng phía trước khiến ai đang vội cũng dễ nổi nóng.

Dăm ba cái chặc lưỡi, nhíu mày. Hai cậu thanh niên – tóc nhuộm vàng hơn cả màu nắng sớm – lao lên rồ ga quay sang nạt vào mặt cụ:

– Bà già chán sống rồi hả bà già? Hay là chưa ăn sáng nên tụt máu?

Bà chưa kịp tỉnh người thì chiếc xe đã phóng đi mất, bỏ lại tiếng pô xe lạch bạch. Thấy mà thương. Cô bé con lên tiếng:

– Hai chú đó nói hư quá hả ba!


Sách “Sài Gòn chữ vội trên vai”. 

Chỉ vài phút sau, dòng xe đang ngon lành trên dốc cầu, tự nhiên một chị thân gầy như cò mất thăng bằng, tay lái xẹo xệch. Chị nhảy xuống, chân nhấp nhấp cái bàn đạp hệt như cái thời người ta mới tập chạy xe vậy, chẳng may tay lái máng vào tay xe cậu thanh niên trẻ. Anh chàng nhăn mũi:

– Má này tính đi đoàn tụ ông bà hay sao mà bang bang ra giữa đường dzậy má! Chưa tỉnh ngủ thì về nhà ngủ giùm một cái!

Nghe mà thương thương. Chị sượng ngắt, làm thinh lảo đảo đạp xe tiếp, càng bối rối chiếc xe lại càng nghiêng nghiêng hơn. Cái vạt áo cũ sờn bay theo gió cũng rụt rè, khép nép như số phận của chị giữa Sài Gòn lênh đênh này. Cô bé nhỏ:

– Chú đó nói mắc cười quá há chị Hai nhưng nói vậy là nói hỗn phải không ba?

– Ba ơi, hồi nãy xe của bà cụ và cô đó cũng vướng vướng vô xe mình mà Ba không bực mình hả? Có khi nào chạy xe một mình, không có tụi con, lúc bực quá ba la người ta không?

Ông bố cười cười với mấy câu hỏi thiệt tình của tụi nhỏ:

– Ừ hồi đó, có lúc ba cũng bực mấy chuyện kiểu vậy lắm. Đôi khi ba cũng quay qua gắt gỏng một vài câu. Nhưng từ ngày có mẹ con, có tụi con, ba nghĩ khác: Thôi đừng nổi nóng, cáu gắt làm gì khi thấy một người phụ nữ nào đó tay lái lảo đảo, ngoặt ngoẹo, thậm chí làm choán cả mũi xe đang chạy ngon trớn của mình.

Ba nghĩ thế này: lỡ như bà của con, mẹ của con hay là hai đứa con chạy xe ngoài đường cũng sẽ có lúc chao đảo như vậy mà bị người ngoài mắng thì ba đau lòng lắm.

Phụ nữ tay lái không vững đâu con nên kể từ lúc đó đến giờ, gặp như vậy, thay vì nổi nóng hay nói một câu không hay, ba tự nhủ Bà mình đó, mẹ mình đó, các chị mình đó, vợ mình đó, mấy đứa con mình thôi mà, gắt gỏng nặng lời làm gì. Vậy để mình tử tế hơn con ạ. Dù là người dưng.

Xe cũng vừa đến trường. Hai đứa cười cười nhưng mắt lại rưng rưng, hôn ông bố một cái thay cho một câu nói gì đó mà có lẽ trẻ con chưa nghĩ ra kịp. Nắng ngày mới như lung linh hơn mọi ngày.

Phố khoan dung

Nhặt sai – đúng

Dòng người qua lại

Nhờ gió cuốn theo nghìn trùng.

Sài Gòn khi nào rảnh

Khác biệt giữa những người thành công, làm được nhiều thứ và những người bình thường, có lẽ cũng bắt đầu từ ba chữ “khi nào rảnh”.
… Khi nào rảnh, mình sẽ học đàn. Thấy bạn ấy ôm guitar ngân nga hát, hắn chợt thèm được như thế nhiều khi để được các cô bạn ngưỡng mộ, nhiều khi chỉ để nghêu ngao một mình cũng là đủ.

Thế nhưng, hẹn lần hẹn lữa từ thời sinh viên đến bây giờ, đứa bạn mình vẫn vậy. Những cây đàn hàng ngày vẫn được làm ra để chờ những người như hắn.

… Khi nào rảnh, sẽ về thăm Mẹ. Thời sinh viên đã nhiều lần nợ không về thăm Mẹ vì những chuyến đi chơi với bạn bè, tiệc sinh nhật, hay đây đó cùng người yêu.

Còn nợ mãi vì hình như xem chuyện về thăm mẹ là chuyện bên lề. Dẫu sao mẹ cũng là người nhà, có bao giờ mẹ trách đâu, thôi để tuần sau. Lớn lên đi làm – còn bận hơn. Bao nhiêu lần như thế, để một ngày hóa ngô nghê – mẹ đi xa, không về.

… Khi nào rảnh, tụi mình làm họp mặt lớp đi! Hô hào thế nhưng a-lô đứa này đứa kia mệt chết. Hơi đâu! Rồi thử một lần í ới gọi nhau – những đứa bạn 25 năm gặp nhau, niềm vui vỡ òa.

Kể từ đó, cả đám cho nhau bao tiếng cười sau những giờ đi làm mệt mỏi. Cơm áo gạo tiền có phải tất cả đâu. Thôi thì thử làm ngay cả lúc không rảnh, mỗi người ngắt thời gian của mình ra một mảnh – để ngày hội ngộ, tuổi học trò được lăn về như trái banh.

… Khi nào rảnh, ba đi tìm lớp học Anh văn, lớp học vẽ, học đàn, học làm bánh cho con. Nghe thấy con nhà người ta đi học đủ thứ, giỏi đủ thứ, đâm ra luýnh qua luýnh quýnh nhưng chỉ là cái hồ hởi sốt sắng trong suy nghĩ bon chen tức thời.

Thế rồi, bận quá, chưa rảnh đi tìm lớp cho con được – thôi cứ từ từ, năm sau con ạ. Chỉ tội bọn trẻ con chưa được học thêm vài ba cái mới. Cái khác giữa nhà này nhà kia, bố mẹ này bố mẹ nọ nhiều khi chỉ nằm gọn lỏn ở ba chữ “Khi nào rảnh…”.

… Khi nào rảnh, mình sẽ học thêm một lớp quản lý, học thêm Anh văn. Thấy ông sếp trẻ măng vừa giỏi, vừa nói tiếng Anh như hát, lòng ngưỡng mộ thèm được như thế dâng lên.

Rồi y hệt trẻ con – đùng đùng, mai sẽ đi đăng ký học Anh văn, học lớp CEO – đắt bao nhiêu cũng học. Sáng mai thức muộn, thôi sáng mốt. Sáng mốt lại nhức đầu, sáng kia lại đi công tác. Các lớp học vẫn cứ thiếu hoài một học viên.

Chẳng có bao giờ rảnh đâu. Càng lúc sẽ càng bận hơn. Bận vì những công việc hàng ngày – một lẽ – nhưng cũng không ít những lần không rảnh vì lười, vì chưa đủ kiên định, chưa đủ đam mê đeo đuổi đến cùng và cả chưa đủ yêu thương chính mình nữa.

Hãy cứ bắt đầu xắn tay làm sớm nhất những gì mình muốn đi bạn – một thứ thôi – trong cái mớ ham hố đã từng làm bạn chộn rộn đó để làm đầy dần cái túi mơ ước của mình và có thêm nhiều cái để chơi với cuộc đời thú vị này.

Rồi tự dưng sẽ thấy – ờ há, cũng có chút rảnh rỗi cho ba mẹ, cho thầy cô, cho bạn bè, cho con cái, cho người thân, cho con đường mình đã chọn và có thêm nhiều thứ lỉnh kỉnh khác nữa.

Khác biệt giữa những người thành công, làm được nhiều thứ và những người bình thường – có lẽ cũng bắt đầu từ ba chữ “Khi nào rảnh…”.

Phố cười ranh mãnh

Cứ mà… khi nào rảnh…

Hổng khéo

Lười đến không phanh.

V.M.Đ