Ta thấy gì khi “Ở đậu trong nhau”

757

Trần Thị Tuyền

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đã bao lâu rồi, tim tôi, tim bạn không còn được nhói lên, thắt lại bởi niềm rung cảm trước một từ, một câu, một ảnh hình… của bài thơ nào đó? Đã bao lâu rồi chúng ta thôi không còn rưng rức, thương thương bởi áng mây chiều hay mảng sương giăng buổi sớm? Tôi không chắc chính xác là khi nào. Nhưng chắc chắn một điều là lâu, rất lâu rồi tôi đã quên tôi.

Tập thơ “Ở đậu trong nhau” của Khét

Tôi quên cách lắng nghe, cách thương cảm. Thậm chí đã có đôi lần, tôi đứng nhìn mình xuống tay sát hại những xúc cảm trong mình chỉ để được vững chân, bình thản, trơ vơ giữa đời cơm áo. Miệt mài với những ngày tháng bán mua trên Facebook, tôi bỗng vấp phải thơ Khét – một kì thơ của mảnh đất Cà Mau xong đang “Ở đậu” sương gió Sài thành.

Ban đầu, tôi chỉ lén khóc cười với thơ Khét qua những lần tác giả chia sẻ trên Facebook. Nhưng nhờ duyên trời run rủi, tôi đã gói cho mình được cả 2 trong 3 tập thơ mà Khét đã xuất bản. Tập đầu, tôi có là “Mình mắc cạn vào nhau” và lần này là “Ở đậu trong nhau” nhà thơ Khét vừa cho ra đời vào 6/2021.

Với riêng tôi, thơ Khét không phải để hiểu mà là để cảm. Thơ Khét như chính con người Khét – Một người quê lên phố, lúc trở về vừa lạ lại vừa quen.

Đọc thơ Khét lắm chỗ tôi không sao hiểu hết, nhưng có những từ, những câu, những ảnh hình cứ lọt thỏm vào tim tôi rồi từ đó chúng cục cựa, chạy nhảy, hát ca… Chúng đang sống và cũng nhắc tôi rằng: mình đang sống!

Thơ Khét vẫn ôm lấy vào mình những nỗi nhớ, niềm thương, những trở trăn muôn thuở… nhưng sao tất cả đều rất lạ! Nó đi đứng, ngồi nằm, sinh sôi, nảy nở, nhân bản trong ta.

Cũng là thương nhưng hãy nghe Khét thương rất lạ ở “Mưa tôi”: Ở đó, ta sẽ bắt gặp một anh chàng nguyện làm và đã làm tất cả vì người anh thương nhưng rồi những gì anh nhận về mình chỉ là “im lặng”, “im lặng”, “im lặng” và “im lặng”…

Ngỡ như ta sẽ bắt gặp chút tiếc nuối cho “công cầm vàng”, “xúc tép”. Nhưng không! Đi đến cuối nẻo đường thương, ta vẫn chỉ thấy cái bụm tay tận hiến đến nao lòng “Tôi bụm hai tay lại ướp một nụ cười mưa… mang tặng em”. Ôi, ta còn mong cái thương nào biết thương hơn thế nữa!

Chúng ta cũng sẽ lại bắt gặp duy một niềm yêu đến kiệt cùng ấy ở bài “Nhà tôi”. Lần này, anh chàng bên mé sông thương ấy lặng thầm dựng lên “mái lá lấm lem” và thấp thỏm mong chờ một dịp “em cứ lang thang gõ nhầm”, mong mái lá ấy sẽ là nơi có thể cho em treo đậu “long đong”, “lỡ làng”.

Cái thương đã vây, cái nhớ trong thơ Khét cũng thật quắt quay: “Tôi bước khập khễnh về tuổi thơ/ thèm câu ca dao nên ươm lại cọng ngò nhà ngoại” . Ôi, cái dáng bước “khập khễnh” ấy có phải được tạo hình từ những hụt hẫng, bất lực khi mà dù đã dốc hết sức mình cũng không thể nào nhặt lại chút ngày xưa.

Sau nỗi nhớ, niềm thương là khối cô đơn đến đặc quánh vô chừng trong thơ Khét. Hãy nhìn cái tôi cô đơn trong bài “Tôi” của Khét: Cái thằng tôi ấy luống cuống, chật vật gắn mình, cột mình vào với “núi đồi”, “đồng bằng”, và cả “cửu long”. Nhưng kìa, cái thằng tôi ấy đang gục đầu khóc nức nở “tôi là kẻ không nhà”, “không quen”, “tôi là kẻ… mình ên trong một mình”. Còn có cái đau nào đau hơn cái khoảnh khắc mình thức nhận đầy đủ rằng mình lạc loài, vong thân ngay cả với chính mình.

Đến với “Ở đậu trong nhau” của Khét, ta sẽ tìm lại được chính mình, nơi đó đầy những luyến lưu, thương nhớ, giận, buồn… của một thuở mà chính ta đã đi qua! Ta cũng lại sẽ thấy mình rất mới giữa bao điều rất cũ!!!

T.T.T