Người thừa – Truyện ngắn của Kim Quyên

643

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mặt mũi Lệ tối sầm, hai tai ù ù, ngực nghẹn cứng khó thở. Vị bác sĩ nhìn gương mặt thất sắc của bệnh nhân, ông vội đứng dậy gọi y tá bên phòng cấp cứu. Lệ được đưa lên băng ca đẩy nhanh về phòng cấp cứu.

Nhà văn Kim Quyên  

– Ba rảnh không ba?

– Chi vậy?

– bữa nay… Con đi khám bệnh… Ba đi theo cho con… đỡ sợ được không ba? Đứa con gái ấp úng nói.

– Sợ cái gì mà sợ. Đi vô trong đó chờ đợi, hôi hám quá, tao lên huyết áp chết bất tử rồi sao? Sao không kêu mẹ mày?

– Mẹ cũng bịnh mấy ngày nay.

– Bịnh bịnh cái gì cả nhà vậy? Tự đi một mình đi, một lát tao có hẹn với bạn rồi, có chuyện gì thì kêu tao. Ứ hự…

Người đàn ông đứng dậy, đi thẳng ra chỗ chiếc Spacy, rồ máy rồi phóng thẳng, để lại phía sau đám khói tanh mù. Nhìn theo ba, Lệ rân tấn nước mắt, cô biết ba cô giờ này thường hẹn với mấy người bạn đi ăn sáng, uống cà phê chớ không có chuyện gì quan trọng cấp bách nhưng từ lâu ba cô vốn vô tâm với chuyện gia đình con cái nên những khi con cần nhờ vả việc gì, ông xem chuyện từ chối là chuyện bình thường, không có việc gì phải cân nhắc, thâm tâm ông cho rằng, con cái luôn đeo theo làm phiền, nếu ông mà chiều theo ý chúng thì nó sẽ “báo ông suốt đời”, đó là câu nói cửa miệng của ông mỗi khi nhắc tới con cái.

Lệ chùi nước mắt rồi lật đật thay quần áo, chuẫn bị đi khám bệnh. Cô có kinh nghiệm mỗi khi vào bệnh viện phải đi thật sớm mới về kịp giờ đi dạy, nhất là những khi cần nội soi, xét nghiệm một cơ quan, bộ phận nào trong thân thể. Hôm nay theo lịch hẹn, bác sĩ sẽ nội soi ruột cho cô vì đường ruột có vấn đề. Cô đăng ký nội soi có gây mê vì sợ không chịu nỗi đau đớn và rất sợ khi bác sĩ… đọc kết quả, bao nhiêu nỗi sợ ám ảnh trong đầu khiến người cứ mụ mị không nhớ những việc cần thiết phải làm.

Đi được một quảng đường, sực nhớ quên đem hồ sơ khám bệnh lần trước, Lệ vội vã quay lại, khi quẹo vào ngõ, cô luống cuống quẹt phải cậu học trò khiến nó ngã lăn quay, còn Lệ va vào hàng rào té nằm dài, cái quần bị xướt rách, đầu gối rướm máu. Cô đỡ cậu học trò đứng dậy, phủi bụi cho nó, nói lời xin lỗi nhưng nó sợ trễ học nên không kịp trả lời,vội vàng chạy đi, còn Lệ quay lại nhà lấy hồ sơ quên cả thay chiếc quần rách và xức thuốc chỗ xây xác.

Gửi xe vào bãi, Lệ rụt rè bước vào phòng nội soi, nộp giấy tờ và ngồi chờ, thỉnh thoảng cô chạy vào toilet vì thuốc sổ hôm qua bệnh viện đưa đến sáng nay vẫn còn ảnh hưởng. Cô y tá kêu tên nhưng Lệ còn ngồi trong toilet, cô gọi người kế tiếp.

Trái tim đập thình thình trong lồng ngực khiến Lệ hoa mắt, người như chênh vênh, chao đảo. Tiếng kêu của người y tá khiến Lệ giật mình, cô bước vào căn phòng trắng toát sặc mùi ê-te. Tiếng cô y tá khẽ khàng nói với bác sĩ nội soi “Cậu này bị trĩ, máu me dính đầy thấy ớn quá!”. Lệ rùng mình, nỗi da gà, xương sống ớn lạnh vì nỗi sợ hãi nặng nề bao trùm, cô muốn xin khất lại hôm khác nhưng người bác sĩ đã ra lệnh “Chích đi”. Cô y tá lẹ làng tiêm vào tay Lệ ống thuốc, cô thấy người lừ đừ rồi chìm vào khoảng không đen đặc.

Vị bác sĩ nhìn kết quả phiếu xét nghiệm hồi lâu, không nhìn mặt Lệ, ông bảo “Cô bị một po-lip đường ruột ở chỗ này rất khó cắt, nếu không cắt bỏ để lâu ngày có khi chuyễn qua k, mà cắt không khéo có thể bị thủng ruột, phải treo ruột ra ngoài…

Mặt mũi Lệ tối sầm, hai tai ù ù, ngực nghẹn cứng khó thở. Vị bác sĩ nhìn gương mặt thất sắc của bệnh nhân, ông vội đứng dậy gọi y tá bên phòng cấp cứu. Lệ được đưa lên băng ca đẩy nhanh về phòng cấp cứu.

*

Người đàn ông đang ngồi ăn sáng với bạn, giọng ca cẩm:

– Hồi tao còn làm phó phường, cái đám thằng Thanh thằng Hùng sáng nào mà không tới chở tao đi ăn sáng, từ lúc nghỉ hưu tới giờ có thấy mặt chó nào bén mảng tới. Đ.m cái thói đời!

– Ối! Hơi sức đâu anh để ý chi cho mệt, hồi trước em nói với anh nhiều lần rồi, “quan nhất thời, dân vạn đại”, ngày nào còn “lên voi” thì tiền hô hậu ủng, ngày nào “xuống chó” thì… thì…

– Thì… thì cái con mẹ gì. Thời buổi này lòng người bạc như vôi, thời mình còn làm việc, nó tới nườm nượp nhờ vã chuyện này chuyện nọ, thưa gởi ngọt ngào, bây giờ có công chuyện kêu đứa nào cũng kêu bận này bận nọ. Đ.m, tao đếch cần cái giống chó đó…ó.. Nói tới đây, ông bỗng nhớ chuyện đứa con gái nhờ đưa đi bệnh viện sáng nay nhưng tới giờ này nó không gọi ông tức là không có chuyện gì. Ông nói với người bạn:

– Tao với mày đi xuống Cần Giờ chơi, đi chơi riết rồi giờ cũng hết biết đi đâu, cuộc đời sao thấy trống rỗng quá, ăn cũng ngán mà chơi cũng chán, thời giở rảnh không biết dùng vào việc gì, từ lúc về hưu tới giờ tao không còn ai để chơi mà cũng không còn chỗ để đi.

– Ủa sao kỳ vậy? Người bạn trố mắt nhìn ông ta như người từ hành tinh khác. Sao kỳ vậy? Anh ta lập lại câu hỏi lần nữa, người ta nghỉ hưu thì về với vợ con, chăm lo cho gia đình, con cháu còn ông anh sao giống trẻ “lang thang cơ nhỡ” quá vậy. Bà chị với mấy cháu đâu rồi?

– Chị chị cái khỉ mẹ gì? Tao với bả thôi nhau lâu rồi.

– Sao nghe nói anh có vợ trẻ lắm mà… sao

– Bà hai ly thân rồi…

– Ái chà chà! Ông anh “xài” vợ hao quá hen. Định có bà nào nữa không?

– Dên dên kêu tao bây giờ, còn muốn bà nào nữa?

– Còn con anh đâu?

– Lớn hết rồi, mọi việc êm xuôi tốt đẹp hết rồi, có gì đâu nữa mà lo.

– Hà..hà.. Cái ông này nói nghe lạ nha. Con tôi gả cưới hết rồi, bây giờ có cháu nội cháu ngoại nhưng cũng đeo theo lo cho nó hàng ngày, lo hoài chừng nào chết thì thôi ông ơi…

– Tao khác người, tao sống giống tụi Tây. Con qua 18 tuổi là coi như xong, không để nó đeo thẹo mắc nợ đời mệt lắm, lớn rồi thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ. Tao là tao dứt khoát như vậy.

– Ông nói nghe không có chút tình gì hết, con của mình lúc khốn khó mà bỏ nó sao đành, nó hạnh phúc, khỏe mạnh thì mình mới an vui chớ hà..hà..

– Thôi! Mầy đừng triết lý với tao nữa, tao là anh mầy, là thầy mầy đây, tao không dại hơn mầy đâu, đừng có thầy tàng. Thôi! Đi để trễ, trưa trờ trưa trật rồi.

– Đi đâu bất tử vậy cha, tôi còn về để đưa cháu ngoại đi học nữa, đâu có rảnh mà đi lang thang như ông được. Thôi ông đi một mình đi hà hà…

– Cái thằng này! Mày dám cãi lại tao hả? Mày không đi tao đi một mình, đếch cần mầy…

Người đàn ông nhìn theo bạn lắc đầu, ông lên xe bon ra khỏi thành phố đi về phía Cần Giờ… Qua khỏi cầu Dần Xây, xe tắt máy, kiểm lại thấy hết xăng, đang loay hoay kiếm chỗ đỗ xăng, điện thoại bỗng gọi liên hồi. Tiếng phụ nữ “A lô! Phải chú là chú Thắng, ba của chị Lệ không?”

“Phải, ai vậy?” “Chị Lệ đang nẳm cấp cứu ở bệnh viện Y Dược đây? Ông mau tới giúp chị” “Gọi cho mẹ nó đi! Tôi đang đi Cần Giờ, cô ghi số máy của bả nè 0932759359”. Ông vội tắt máy vì sợ cô kia nói dài dòng rồi một hồi thế nào cũng lôi ra vụ đóng viện phí.

Tiếng điện thoại lại reo vang, ông chần chừ một hồi mới đặt máy vào tai “Chú ơi! Cháu gọi cho cô không được mà bây giờ phải cho chị nhập viện để theo dõi tim mạch, chị Lệ có vấn đề về tim mạch, thần kinh đó chú ơi, chỉ bị ngất xỉu mà nhập viện thì phải đóng tiền, chị Lệ không đủ tiền..”. “Thôi! Thôi! Ông gạt ngang. Tiền tiền cái gì, cô chịu khó canh gọi mẹ nó, bả ở nhà chớ đâu, nếu không cô chịu khó lại nhà số 46/43/12 lấy tiền dùm đi, tôi bận công chuyện không về kịp”. Người đàn ông vội tắt máy, ung dung bon tiếp trên con đường nhựa láng bóng.

*

Lệ hé mắt nhìn, phòng cấp cứu đang tất bật người ra vào, trong giây lát cô nhớ ra mọi chuyện, đưa mắt nhìn quanh, tìm kiếm người thân nhưng chẳng thấy bóng ai, một nỗi bơ vơ xâm chiếm lòng cô, nước mắt bỗng tuôn ràn rụa, cổ họng đắng chát, nghẹn ngào. Cô y tá đã băng bó xong cho chị phụ nữ bị xe tông vừa được chở vào, cô chạy lại hỏi:

– Hồi nãy tôi có gọi ba chị mà ông ấy kẹt đi đâu rồi, tìm số điện thoại má chị mà không có.

– Mẹ tôi đang bị viêm khớp nặng không đi được. Thôi không sao đâu, tôi khỏe rồi cho tôi về, mai còn đi khám bịnh nữa.

– Để tôi gọi bác sĩ tới, ông ấy cho về thì chị về.

– Không không… Tôi đâu có bịnh gì, có chút xíu tim mạch nhưng vì tôi quá lo lắng cho bịnh của mình nên hơi choáng một chút thôi.

Thấy cô y tá nhìn mình ái ngại, Lệ lại phân bua:

– Tôi bị..bị po-lip ở đường ruột mà chỗ này bác sĩ nói khó cắt lắm nên tôi sợ..

Cô y tá mỉm cười, trấn an:

– Không sao đâu chị, không phải po-lip nào cũng chuyển qua k, nếu có chuyển mình cắt sớm cũng không sao cả. Mà nói cho cùng, tất cả có số rồi, chị lo chi cho hao tổn tinh thần. Còn sống là còn đấu tranh với bao khó khăn sóng gió cuộc đời, đời thì phải có vui, có buồn mới là đời chớ có ai được vui hoài mà có ai khổ hoài đâu chị. Thôi nha, an tâm đi, đừng lo nữa.

Lệ cảm động nhìn cô gái trẻ. Chao ơi! Mấy lúc lo buồn chuyện gì, có ai đó nói đôi câu an ủi động viên sẽ giúp cho mình thêm sức mạnh biết bao. Lệ ngồi dậy, người vẫn còn mệt đôi chút nhưng cô có thể đi được rồi. Cô cầm tay cô y tá lí nhí mấy lời cám ơn, hỏi tên cô và xin số điện thoại rồi ra về.

Đứng trước cổng nhà, Lệ dừng lại, soi mặt vô gương, nhìn gương mặt bơ phờ của mình cô vội vuốt mái tóc xã xượi trước trán, cố mĩm nụ cười trước khi vào gặp mẹ. Bà mẹ đang nằm trên giường, thấy con gái vội nhỏm dậy, nhìn sắc mặt không được tươi của con, lo lắng hỏi:

– Khám bịnh có sao không con?

– Dạ không có gì, bình thường mẹ ơi.

– Sao hôm trước bác sĩ nói con có vấn đề gì đó mà…

– Không sao. Hôm nay coi lại không có gì…

– Thiệt không?

– Dạ thiệt mà.

– Mà sao thấy thần sắc con nhợt nhạt quá vậy?

– Tại hồi hôm không ngủ được, cả ngày nay lại đi khám bệnh, ngày mai chắc con nghỉ dạy một ngày để đi kiểm tra tổng quát. Nếu rồi sớm sẽ về còn trễ nãi thì mẹ đừng trông nha.

– Sao đi tới một ngày lận?

– Khám bảo hiểm thì mẹ biết rồi, làm sao nhanh được. Mẹ yên tâm đi con không có gì đâu. Cuộc đời, sinh lão bệnh tử là chuyện bình thường, hơi đâu mà lo lắng quá, tất cả giao cho số phận mẹ ơi, ít có việc gì theo ý muốn của mình. Mẹ cứ chăm chút phần xương khớp cho khỏe, con chỉ lo cho mẹ thôi, con còn trẻ mà lo gì. Thôi! Con mệt quá, con tắm rửa, ăn cơm rồi đi nghỉ đây.

– Mẹ để cơm trong lồng bàn, con ăn rồi ngủ sớm để còn mai đi.

– Dạ, mẹ ăn rồi hả mẹ?

– Ừa! Tao mới ăn ba hột đó.

– Chân mẹ nhức như vậy mà cũng ráng làm hoài, chắc con không lấy chồng đâu, ở vậy lo cho mẹ đó.

– Thôi đi. Tui không muốn như vậy đâu, cô phải có chồng cho tui yên bụng.

– Đời bây giờ có chồng toàn là kiểu như ba không hà, không có hạnh phúc gì đâu mẹ ơi.

– Sao quơ đủa cả nắm vậy?

– Con thấy anh Hưng cũng từa tựa như ba vậy đó, chuyện của ảnh để con tính lại coi. Sao tự nhiên nói tới chuyện chồng con con thấy nhợn quá, ngán đàn ông còn hơn ngán cơm nếp mắc mưa, cơm nếp mắc mưa còn ráng ăn được chớ đàn ông thời buổi này nhiều người khó ưa quá rồi có cố nuốt cũng ói ra hà.

– Trời đất! Sao bữa nay con nói kỳ vậy, mày nói vậy rồi chuyện thằng Hưng…

– Mẹ đừng lo con hư hỏng hay ế chồng gì hết, thật ra câu nói quen thuộc của ông bà mình đúc kết không sai “Con là nợ, vợ oan gia, cửa nhà tội báo” cũng có phần đúng đó, mẹ đừng nặng nề chuyện hôn nhân quá như vậy. Nếu không có nợ chồng, con sẽ tu tại gia luôn, con chán lục dục thất tình quá rồi mẹ ơi.

– Cái con này, mày không được nói vậy nghe con, không có chồng thì phải xin con nuôi rồi cũng sống sao có ích cho xã hội, cho gia đình, đừng như ba mày sống thừa thãi như cục thịt biết đi, không ích lợi gì cho ai, sống như vậy thấy hèn lắm. Mà thôi, con đang bịnh nói chi mấy chuyện buồn, đi tắm đi con.

Lệ bước vào nhà tắm, làn nước mát khiến cô tỉnh táo hơn nhưng nỗi buồn vẫn đè nặng trong lòng. Chuyện cô với Hưng sắp tới giai đoạn kết thúc nhưng căn bệnh của cô có thể làm cản trở hôn nhân mà cuộc hôn nhân này cô cũng không mấy tin tưởng vào người thanh niên có tính tình nhạt nhẽo với gương mặt khô khan, lắm lúc lừng chừng như người thiếu sức sống. Cô bỗng nảy ra ý định, nếu ngày mai đi cắt po-lip có trở ngại gì thì cô sẽ cắt đứt với Hưng luôn. Mấy hôm nay nghe tin cô bệnh nhưng anh ta vẫn bình chân như vạy, không một lời hỏi thăm. Đã đối với nhau như vậy thì không dại gì rước họa vào thân, nếu không, con đường đi tới sẽ giống như mẹ cô vậy thôi.

Lệ mệt mỏi buông mình nằm xuống, đêm đã khuya mà cô cứ day trở hoài không chợp mắt được.

*

Lệ gõ cửa phòng vị bác sĩ là người họ hàng trong gia đình. Anh ta mở cửa, nhìn thấy Lệ, hỏi:

– Chị đi đâu đây, có chuyện gì không?

– Tôi đi khám đường ruột, qua nhờ cậu đăng ký khám sớm được không?

Giọng anh ta lạnh lùng:

– Muốn khám sớm thì phải dịch vụ thôi, chị giáo chức thì khám hệ bảo hiểm đi. Nộp đơn rồi chờ như mọi người chớ tôi đâu có quyền hạn gì ở đây. Po-lip mà nhằm nhò gì, từ từ rồi cắt cũng được. Tôi đi họp giao ban đây, chị nộp đơn rồi chờ tới phiên thôi, khi nào muốn khám dịch vụ thì tới khoa dịch vụ, vậy nhen.

Anh ta hấp tấp bỏ đi, cái dáng thấp đậm và chiếc bụng phệ trông giống một tay xì thẩu hơn là bác sĩ.

Lệ thở dài ngao ngán. Mạnh khỏe thì còn thấy muốn sống, đã vào đây giống như vào mười hai cửa thập điện, con người không còn ra con người nữa, chỉ những kẻ quyền chức, có của nả mới hưởng được ân huệ của sự ân cần, sự chăm chút tận tụy từ những bàn tay “lương y”. Lệ đứng lên, lưỡng lự không biết nên về hay khám tiếp, điện thoại chợt réo vang, một giọng đàn ông khan khan lè nhè:

– Phải cô… Lệ ? Ông Thắng… bị tai nạn xe, tôi là bạn… đang chở ổng vào… Chợ Rẫy, chắc ổng… chịu không nỗi… đi đứt… quá..uaá..

– Chú ơi… Điện thoại tắt máy. Lệ lính quýnh chạy ra bãi để xe, cô rồ máy, phóng thẳng tới bệnh viện.

Nhìn gương mặt sau làn băng trắng toát, Lệ òa khóc. Cô nhìn quanh tìm người bạn của ba để hỏi thì không thấy ông đâu, cô bước vội đến hỏi bác sĩ, vị bác sĩ nói với giọng nghiêm trọng:

– Ông ấy bị chấn thương sọ não, có máu đông phần sau đầu, đang theo dõi, nếu diễn biến xấu thì phải mổ ngay. Cô xuống phòng kế toán đóng viện phí để làm thủ tục nhập viện.

– Dạ… Cám ơn bác sĩ…

Lệ rảo nhanh xuống quầy thu viện phí, móc hết số tiền lương vừa lĩnh đưa cho cô thu ngân rồi nhanh chân bước về chỗ người cha. Đôi mắt ông nhắm nghiền, hơi thở khò khè trong cổ, gương mặt bất động với làn da xám ngoét trông như xác chết. Cô nắm bàn tay xương xẩu, lạnh lẽo của ba khóc rấm rức… Chợt nhìn thấy nước tiểu tuôn ra dưới quần ông, Lệ vội chùi nước mắt, nhanh nhẹn lấy khăn lau, lấy chiếc mền đắp lên rồi nhẹ nhàng thay quần cho ông.

Y tá và nhân viên đưa ông qua xe băng ca để chuyễn lên phòng mổ, Lệ xách đồ đạc tất tả chạy theo. Miệng lầm rầm khấn vái…

                                                                                            K.Q