Vùng trắng – tiểu thuyết Lam Giang – Kỳ 4

865

29.4.2016-22:00

 Nhà văn Lam Giang

>> Vùng trắng – kỳ 3

>> Vùng trắng – kỳ 2

>> Vùng trắng – kỳ 1

 

Vùng trắng

(Kỳ 4)

 

TIỂU THUYẾT CỦA LAM GIANG

 

CHƯƠNG BA

 

NVTPHCM- Cái điều nhiều người trông đợi đã đến như một sự bất ngờ. Sáu Thanh xuất hiện ở trung đoàn bộ như một nhân vật đặc biệt lúc này. Ông có dáng cao ốm, đôi mắt nằng nặng trên khuôn mặt hom hóp như người nghiện nhưng rất nhanh nhẹn, dễ sợ hơn là cảm tình. Gặp ông nhiều người không dám nhìn thẳng, nhất là khi ông nói thì đừng có ai cãi lại hoăc phân bua điều gì, khôn hồn thì nghe cho hết rồi cứ thế mà làm. Ông còn có cái kiểu xem người bắt bóng, chặn họng những ai ấm ớ, nói năng không nên hồn. Sáu Thanh quê ở miệt vườn Nam Bộ, dân Mùa Thu đi tập kết ra Bắc, trở về trong đoàn Phương Đông 1 sớm nhất vào những năm đầu thập kỉ 60, chắc là có số bọc điều nên chỉ mới đại úy, đã được Phân khu giao trọng trách trung đoàn trưởng Trung đoàn 268, thay thế thiếu tá Năm Thạnh. Bởi thế cái uy của ông toát ra từ vẻ lạnh lùng sắc sảo của con người sắp lao vào chiến trận mà những tiền nhiệm của ông thường vấp ngã hoặc vắn số khi vừa mới chớp nháng cầm quân.

 

Lúc này ban bệ quanh ông giàn giá khá đầy đủ, phần lớn đã kinh qua cương vị chỉ huy và trải nghiệm chiến trường. Hai Phong được điều về làm tham mưu trưởng trung đoàn là người miền Bắc, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp. Ông chưa quen chiến trường kiểu xôi đậu ở đây nhưng khả năng chỉ huy không thể coi thường. Hai Phong biết giữ thế cho mình, không rượu chè nhậu nhẹt, phe phái mà nhắm vào đánh giặc và hoàn thành chức trách được giao. B phó Thanh có thêm đồng hương Bắc Kỳ toàn thứ gộc nhưng cũng chưa kịp làm quen bộc bạch nỗi niềm xa quê… Tham mưu trưởng Hai Phong đã tức tốc đi thị sát chiến trường Củ Chi, sau khi nhận lệnh Sáu Thanh.

 

Đêm Bời Lời buông xuống nhẹ thênh nghe được cả tiếng gió rít qua ngọn cây và tiếng lũ chồn hương sót lại quần dỡn trong những đám cây chồi gượng dậy sau trận B52 và pháo cầu âu, pháo “ vua chiến trường” 175 ly, đại pháo 203 ly của quân Mỹ. Trung đoàn bộ vẫn trụ lại trên bãi bom lở lói với hàng trăm hố sâu ngửa mặt lên trời. Những căn hầm trúng bom được thay thế bằng những hầm ngủ mới kiên cố hơn, cho thấy quyết tâm của trung đoàn sắt đá đến nhường nào…

 

Khoảng lặng của chiến trường không biết kéo dài được bao lâu nhưng mọi người cảm thấy dễ chịu hơn, ít ra những đám cây chồi mọc được thêm lá sau trận B52 mới qua vài tuần. Những lối mòn hình thành trong căn cứ theo kiểu riêng của nó, khấp khiễng, vòng vèo lượn qua miệng những hố bom như vô vàn chiếc phễu đất. Vừa quýnh quáng từ vùng ven lên Bời Lời chưa ăn hết bồng gạo, đám tân binh con trời choai choai mới nếm một trận B52 đã bay hết hồn vía. Chúng không thể tưởng  lượng bom trút xuống dày đặc đến thế, dường như bừa nát cả cánh rừng. Bây giờ đầu óc còn u u trong cơn ác mộng. Một viễn cảnh u ám trước mắt đám thanh niên còn mù mờ nghi hoặc về tương lai tưổi trẻ của mình. Từ nghi hoặc đến giao động, chán nản chẳng bao xa.Thế là cuộc đào tẩu diễn ra như một đám âm binh không ai ngờ tới. Hơn nửa quân số biến mất trong một đêm làm khổ trợ lý quân lực Thanh phải đi xin người tổ chức bắt lại số lính hoàn toàn chưa biết bắn súng này. Nhọc thân, mất công ,Thanh trở về lắc đầu báo cáo với tham mưu phó Sáu Hoàng : “Bọn chúng biến như sóc. Có bắt lại cũng vô ích như bắt cóc bỏ đĩa, vì chưa đứa nào được học tập, giác ngộ ra hồn, nói chi chuyện cầm súng đánh giặc.

 

Sáu Hoàng bảo:

               

– Đấy, tác dụng của B52 là như vậy, nó gây thương vong hàng loạt, đồng thời sát thương tâm não, tinh thần con người như bộ máy chiến tranh tâm lí quảng bá rùm beng con “át chủ bài” số 1 pháo đài bay B52 là “thần mưa bom khủng khiếp” hoặc “chỉ cần một cái bấm nút, một vùng quê sẽ tan biến duới cơn lốc lửa”.

 

Buổi tối Thanh theo Sáu Hoàng lên hầm chính ủy Bảy Nam uống trà, chuyện vãn. Toàn chuyện của người lớn, Thanh nằm lăn ra tấm dạt kéo bệ, hơi thở đều đều. Nhưng chỉ mấy phút sau anh tỉnh dậy nghe trộm được câu chuyện của hai người.

 

Sáu Hoàng hỏi:

– Có tình hình gì mới không anh Bảy?

 

Bảy Nam nhìn Thanh trong tư thế ngủ say rồi nói khẽ như sợ ai nghe thấy:

 

– Có điện xuống rồi chuẩn bị vô đợt 2, đánh Sài Gòn lần nữa. Lần này tao e sẽ va vô đá tảng, mang đầu máu trở ra là cái chắc. Quân gia ngợp trời như đợt 1 mà chẳng ăn chung gì, huống hồ lực lượng hiên tại chắp vá, chưa hồi phục sức chiến đấu.

 

Sáu Hoàng lại mang tâm trạng trái ngược với thủ trưởng mình:

 

– Vậy là ngon rồi anh Bảy ơi! Đợt 1 trung đoàn mình chậm chân xuống không kịp, thì đợt 2 vô chứ sao. Được đánh Sài Gòn là sướng bằng trời! Em nghe nói mấy ông trên quyết tâm đánh chiếm cho được Sài Gòn, đã may sẵn quân phục cho từng người, in cả giấy bạc giải phóng…Nghe thế người cứ sướng rơn lên lâng lâng như trên mây.

 

– Biết vậy, nhưng thực lực và yếu tố bất ngờ, khí thế sao bằng đợt 1 như trời long đất lở mà rốt cuộc cũng phải dội ra. Cái miệng mình nhỏ quá làm sao ngoạm nổi miếng thịt bự chảng. Mấy ổng trên R còn cãi nhau toé lửa, người bảo: coi chừng không kham được nữa thì thôi, lao vô tốn xương máu anh em; người bảo: Trung ương đã quyết phải dứt điểm Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế trong năm nay, không còn thời cơ nào khác; người bảo nếu thế thì miền Bắc có kịp đưa máy bay, xe tăng vào B2 được không? Người bảo có phiêu lưu không khi mà hiện tại còn trên nứa triêu quân Mĩ, một triêu hai trăm ngàn quân nguỵ, chưa nói đến ưu thế nhiều mặt của chúng.

 

Sáu Hoàng như bị dội một gáo nước lạnh:

– Lỡ đổ bể thì sao, phơi áo à?

 

– Mày im, tao biết khi bật ra khỏi Sài Gòn rồi thì chết sống trung đoàn cũng phải chịu trận ở đây, đừng mong đơn vị nào thay thế. Địa bàn ta đảm nhiệm sẽ trở thành cái túi bom đạn hủy diệt của quân Mỹ. Lúc đó thì không có ngồi uống trà như vầy được đâu… Có nghĩa là 268 phải trụ lại đây không biết đến bao giờ, không được phép trốc khỏi địa bàn. Không giữ được trung tuyến thì trước hết Ban chỉ huy đứt đầu. Mình nghĩ hình thái chiến trường rồi sẽ khác, khó tưởng tượng nổi những gì sẽ xảy ra. Vị trí của ta nằm trên bán kính bảo vệ Sài Gòn của địch không tới 50km, chỉ cách một tầm pháo nòng dài 175 ly… Mà tất cả gấp lắm rồi!

 

Sáu Hoàng tỏ vẻ lo lắng:

– Tôi đề nghị trên phải bổ sung ngay quân số và vũ khí cho 268!

 

– Có rồi, Tiểu đoàn 2 thực binh Cát Bi, Hải Phòng đang hành quân cấp tốc thẳng vào đây. Trong tương lai còn được bổ sung một tiểu đoàn địa phương cho đủ biên chế của trung đoàn là 3 tiểu đoàn bộ binh và các đơn vị trực thuộc, ban bệ của trung đoàn bộ… Bảy Nam cười – cái thằng Bắc Kỳ này ngủ dữ quá, kêu hắn dậy về đi. Nghe nói hắn có trình độ và kỉ luật, được lắm! Cánh Nam Bộ tụi mình chịu chơi nhưng học hành thì hạng “rút rơm trâu ăn no” (Diplom, Prime). May tập kết ra Bắc mà học xong chương trình cấp 2 bổ túc. Ngoài đó xã hội chủ nghĩa nên văn hóa phát triển mạnh, lên trung cấp, đại học ào ào… Cậu Thanh này nghe đâu dân trung cấp, trúng nghĩa vụ quân sự, được huấn luyện chính quy rồi mới đi B vô đây.

 

Sáu Hoàng kéo Thanh dậy đi về, lòng bâng lâng chuẩn bị bước và một trận chiến mới, dẫu biết rằng sẽ vô cùng ác liệt, có người sẽ không trở lại Bời Lời.

 

Đợt 2 cuộc tổng tiến công Mậu Thân dự định vào ngày 4-5-1968, đó là một sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền. Mặc dù trước đó đã xảy ra những tranh cãi nảy lửa có nên mở tổng tiến công đợt 2 hay không, khi mà tổn thất lực lượng trong đợt 1 chưa bù đắp nổi. Vào Sài Gòn lúc địch đã chuẩn bị đối phó nếu bị “sượng” sẽ tổn thất khôn lường, ảnh hưởng đến tiến trình cách mạng miền Nam. Nhưng không đánh bồi, địch sẽ làm tới, dành lại thế chủ động chiến trường thì ta sẽ gặp khó khăn trăm bề. Cú đánh bồi này chủ yếu làm thất bại ý chỉ xâm lược của Mỹ buộc chúng phải đàm phán với ta để bàn việc kết thúc chiến tranh, vốn là con đường hầm không lối thoát của chúng ; trước hết địch phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom miền Bắc, rút quân khỏi chiến trường miền Nam ; còn lại ngụy quân, ta sẽ giải quyết chúng dễ hơn, tiến tới mục tiêu thống nhất đất nước, hoàn thành cuộc cách mạng độc lập dân tộc, dân chủ hòa bình trên cả nước. Những chủ chương lớn trong quá trình thực hiện cuộc Tổng công kích tiến công và nổi dậy ở miền Nam đã được Trung ương Đảng và Bộ Chính trị thông qua.

 

Trung đoàn 268 “xuất tướng”, Trung đoàn trưởng Sáu Thanh chỉ huy đơn vị xuống đường. Cùng đi với ông có Phó chính ủy Bảy Nam, kiêm Chủ nhiệm chính trị ; Tham mưu phó Hai Biên, Tham mưu phó Sáu Hoàng vừa mới được cất nhấc bổ nhiệm; các ban tham mưu, chính trị, hậu cần. Chính ủy Bảy Tòng bất khinh động tại trại.

 

Lực lượng Trung đoàn 268 xuống đường lần này chủ yếu Tiểu đoàn 1, ngoài ra còn có các phân đội trực thuộc trung đoàn.Tiểu đoàn 1 do Ba Thanh tiểu đoàn trưởng và Tám Nhàn chính trị viên chỉ huy. Ba Thanh hiền lành cần mẫn, không đụng chạm ai; mặc dù ngang cơ với Tám Nhàn về chức vụ nhưng kém hơn một cấp. Tám Nhàn đại úy, Ba Thanh thượng úy. Nói chung Ba Thanh thua Tám Nhàn về trình độ, sự từng trải cũng như khả năng ứng xử. Ba Thanh biết thế nên không tâm tư gì với sự lấn lướt của Tám Nhàn, một phần biết chắc anh ta sẽ lên trung đoàn trong nay mai, chí ít cũng phó chủ nhiệm chính trị, không thì phó chính ủy.

 

Các đơn vị xuất phát hành quân từ căn cứ Bời Lời lúc trời vừa chạng vạng. Hành quân như chạy, được vài cây số mồ hôi túa ra ướt đầm lưng áo, thở hồng hộc. Mà không chạy sao được khi nghe lời hiệu triệu như sấm của Phó chính ủy Bảy Nam:

 

– Các đồng chí chúng ta đang đứng trước thời cơ ngàn năm có một giải phóng Sài Gòn. Vừa sắp hàng vừa mặc áo. Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao cho. Giờ lịch sử đã điểm, tất cả hãy xông lên, xốc tới giành thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân!

 

Người nào cũng súng đạn lặc lè mà đi hộc tốc thế này thì sao kham được mấy chục cây số trong đêm nay. Hàng trăm con người lao như tên mà không biết tới đâu, làm gì, đánh mục tiêu nào hay chặn viện. Thanh đi sau Sáu Hoàng vượt lên hỏi:

 

– Trung đoàn vào Sài Gòn thật hả. Có phải nơi quầng sáng xa xa kia không?

 

Sáu Hoàng trả lời cộc lốc:

– Thì cứ đi rồi sẽ biết!

 

Thanh cảm thấy Sáu Hoàng hôm nay không nhu nhã như thường ngày mà hùng hục chạy lên đầu đội hình rồi tụt lại, miệng lầu bàu cự nự cả Tham mưu phó Hai Biên. Một người đi bên cạnh Thanh bảo:

 

– Cha Sáu Hoàng này bộ muốn chết hay sao mà trở chứng. Sắp đánh trận mà như thế là không hay đâu.

 

Ra khỏi đám rừng chồi lúp xúp, tự nhiên trước mặt mọi người trống hoang không còn một bóng cây, dưới chân ngổn ngang những thân cây khô chồng chéo và dãy đầy hang hố như trên sao hỏa. Lính ta tha hồ trèo leo ạch đụi trên thân cây mà lết đi. Sau này Thanh mới biết ra đó là Củ Chi, hậu quả của cuộc hành quân Xê-đa-phôn còn gọi là “bóc vỏ trái đất” của 30 ngàn quân Mỹ do tướng Phơ-ri-đrích Uây-en chỉ huy nhằm phá huỷ hệ thống địa đạo Củ Chi và triệt phá căn cứ của Khu ủy và Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Định. Trận càn khốc liệt đã hủy diệt toàn bộ nhà cửa, hoa màu vùng này, người chết xác trôi đầy sông Sài Gòn… đúng nghĩa với hai từ “Vùng trắng”. Dấu vết của những trận mưa bom B52, pháo bầy triền miên trút xuống, cùng xe tăng ủi phá quần nát mặt đất, còn y nguyên. May sao trên hướng hành quân tiếp cận Sài Gòn, Lực lượng địa phương đã tập trung  nhân lực cưa đứt rời những khúc thân cây lớn, tạo thành lối đi độc đạo cho bộ đội hành quân; còn những cây nhỏ thì ráng bước qua. Chỉ xẻ dọc con đường trên bãi ủi hằng mấy cây số này cũng đủ thấy sức người được huy động vào chiến dịch lớn biết chừng nào. Quân dân Củ Chi đã đào được gần 200 ki lô mét địa đạo như mạng nhện trong lòng đất để kháng cự lại hàng ngàn quân Mỹ thiện chiến cùng với máy bay, xe tăng, pháo binh, những phương tiện chiến tranh hiện đại, thì cưa xẻ con đường xuyên xuống Sài Gòn là chuyện hiển nhiên. Họ đánh giặc với niềm tự hào và ý chí cao độ : Củ Chi đất thép thành đồng.

 

Đang ngon trớn hành quân cho kịp giờ G của toàn Miền thì đột nhiên những đường lửa vạch sáng nền trời. Lửa từng dây từng đàn lao vút qua đầu cùng những tiếng nổ xé không gian. Tiếng các chỉ huy la lớn:

 

– Tất cả nằm xuống!

Có người bảo: “Trung đoàn bị tập kích rồi !”

 

Ở phía Sài Gòn tiếng nổ dậy lên từng chặp. Bọn trực thăng, Đata bủa lên bầu trời tung đèn dù sáng rực rồi tuôn xuống những đường lửa cầu vồng. Trời đêm bị khuấy lên ầm ĩ như sắp vỡ tung.

 

Mọi người lóp ngóp bò dậy sau hàng loạt tiếng nổ kinh người, mặt mày ngơ ngác sợ hãi. Không ngờ Thanh nhận ra Út Lan, Sáu Mai ở trong đám lính từ đâu dạt tới. Sáu Hoàng đến bên cạnh Út Lan và Sáu Mai, hào hển:

 

– Không sao, hỏa tiễn ĐKP và H12 của ta khai hỏa vào Sài Gòn đấy. Toàn Miền đã nổ súng. Trận địa pháo ngay sau lưng ta nên mới rùng rợn thế. Nào hết run chưa? Trong ánh sáng trăng thượng tuần nhờ nhờ như sữa đặc, hai người đẹp mặt trắng bệch ra.

 

Út Lan nói gần như đứt hơi:

– Em sợ quá trời, tưởng đâu nó hốt hết tụi mình rồi chớ.

 

Sáu Mai tỏ vẻ lo lắng:

– Không biết có ai sao không để sơ cứu, anh Sáu?

 

Sáu Hoàng nói như kêu lên:

 

Đội hình tá lả vầy làm sao biết được, nhung cô yên tâm đi, do ta cả thôi,chắc không ai sao đâu.

Chợt Sáu Thanh xuất hiện với dáng bình tĩnh pha chút ngang tàng của một vị chỉ huy dạn dày chiến trận, giọng rin rít:

 

– Sáu Hoàng gom lại đội hình lẹ lên, tản lạc hết rồi ! Mấy cha ĐKP hại nhau. Thế này thì làm sao đến vị trí tập kết đêm nay.

 

Một số cán bộ chụm lại nơi trung đoàn trưởng Sáu Thanh đang la bài hãi vì chuyện đội hình bị cắt vụn ra như bánh tráng mắc mưa. Dường như ai cũng thất thần chưa lấy lại được sự bình tĩnh vốn có sau “sự cố” vừa rồi. Họ than với E trưởng không biết làm sao thu lại đội hình trong đêm tối như thế này. Sáu Thanh nhìn mọi người lừ lừ:

 

– Tôi lệnh cho các anh phải gom được đội hình trong vòng một tiếng đồng hồ. Bây giờ đã hơn chín giờ đêm rồi.

 

Mọi người ngao ngán lắc đầu rồi tản đi làm nhiệm vụ. Út Lan nắm tay Sáu Hoàng:

 

– Em khát nước quá anh Sáu ơi, khát muốn chết!

 

Sáu Hoàng sững ra, bây giờ anh mới thấy người bị vắt khô từ khi nào. Cổ họng như rão ra. Bi đông nước thì mọi người đã nốc cạn từ khi băng qua bãi ủi. Ước gì hàng ngàn hố bom dưới chân là những hố nước. Nhưng giữa mùa khô này đất Củ Chi trắng xác, cứng như sắt nguội lấy đâu ra nước bây giờ.

 

Sáu Hoàng bảo Út Lan:

– Ráng lên em, chắc phía trước có giếng hoang, tha hồ mà uống.

 

Thanh đứng bên cạnh cười thầm: nói kiểu đó khác gì Tào Tháo đánh lừa quân lính khát rã họng đi không nổi, bằng cách đưa gậy chỉ về phía trước nói to : “Đằng xa có một rừng mận”. Quân gia tứa nước miếng, người ngựa phóng như bay, nhờ thế mà thoát được quân Thục truy đuổi sau lưng.

 

Sáu Hoàng sục vào bãi hoang đến gần mấy cây chuối còn sót lại, bứt đọt nhai rào rào, vừa quan sát và phát hiện một giếng nước. Anh mừng rơn, kêu mọi người quay lại. Phút chốc cả mấy chục người bâu lại mặt mũi sáng rỡ tìm nón Mỹ buộc dây kéo nước lên uống ào ào. Uống một hơi, Thanh cảm thấy bụng no căng mà sao miệng vẫn khát như cào. Sáu Hoàng nhấn lút bi đông xuống giếng rồi đem nước lại cho Út Lan và Sáu Mai đang ngồi khát rũ người. Hai cô thay nhau tu cạn bi đông rồi bảo Sáu Hoàng đi lấy thêm bình nước khác. Hệt như thuốc tiên, giải được cơn khát, mọi người tỉnh ra, Sáu Mai bảo:

 

– Bây giờ thì đi tới đâu cũng được!

 

Thanh chỏi vào:

– Thật không, coi chừng lại méo xẹo nữa đấy, bà chị có biết đường bao xa nũa không, nó vắt người khô queo cho xem.

 

Trong đêm Thanh không nhìn thấy cái nguýt sắc lẻm của người đẹp thường ngày.

 

 (Còn nữa)

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC