Bảy Nam – Nghệ sĩ tài tình muôn mặt

1201

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dù cha là kỹ sư không muốn con theo nghề “xướng ca vô loại”, nhưng trong số 11 anh em Bảy Nam có đến 4 người theo cải lương mà có đến 2 người con gái danh tiếng lẫy lừng. Là em ruột của Năm Phỉ, một nghệ sĩ tiền phong nổi tiếng, Bảy Nam là một tài năng muôn mặt trên sân khấu Nam bộ. Ngoài là nữ bầu gánh khi mới 19 tuổi, Bảy Nam (mẹ ruột của NSND Kim Cương) còn viết tuồng và diễn xuất trên sân khấu.

 Nghệ sĩ Bảy Năm.

Đã ca hay diễn giỏi, Bảy Nam còn sáng tác nhiều vở cải lương và kịch nói nổi tiếng: Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo, Người đàn bà Việt Nam,… Cùng với NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam được coi là vị Tổ của bộ môn cải lương. Nghệ sĩ tài danh Bảy Nam (1913-2004) qua đời là một mất mát lớn cho sân khấu nước nhà sau khi để lại 20 tác phẩm và 1 hồi ký.

Xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ tại Điều Hòa, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), được hướng dẫn ca hát bởi người chị tài hoa Năm Phỉ, một nghệ sĩ lừng danh, từng đánh chuông vàng nơi xứ người. Mới 14 tuổi, Lê Thị Nam đã say mê theo con đường nghệ thuật. Chỉ 5 năm sau, Bảy Nam đã là bà bầu của một gánh hát lớn ở Nam bộ. Sau khi  ông Nguyễn Phước Cương và chị ruột Năm Phỉ ly dị nhau, Bảy Nam kết hôn với ông Cương. Cuộc tái hôn nhân tiền định lắt léo giữa anh rể – em vợ ngày trước về sau đã sản sinh được một người con gái tài sắc tuyệt vời, từng được xem là người đẹp trong “Ngũ đại mỹ nhân” của Sài thành năm xưa: NSND Kim Cương, mệnh danh là Kỳ nữ Kim Cương trên sân khấu thoại kịch, cải lương và điện ảnh.

Mới 19 tuổi, kết hôn với Sáu Ngọ và nhờ nguồn tài chính của chồng, Bảy Nam thành lập ban Đại Nam Hưng quy tụ được nhiều nghệ sĩ hàng đầu lúc bấy giờ. Bảy Nam năng nổ, vừa điều khiển gánh hát, vừa giữ vai trò đạo diễn kiêm cả vai chính trong các tuồng của đoàn. Nhiều năm ở giai đoạn này, nghệ sĩ Bảy Nam thành công, được công chúng mến mộ qua vai diễn chính của các tuồng: Điêu Thuyền hí Lữ Bố, Điêu Thuyền bái nguyệt,…. Đặc biệt ở tính cách đa năng rất gần gũi với NSND Phùng Há cùng thời và  NSND Ngọc Giàu sau này, nghệ sĩ Bảy Nam còn thành công ở các vai nam oai phong lẫm liệt như Quan Công, Lữ Bố,… cả các vai ông lão như Vương Tư Đồ, Lý Nhu trong các tuồng phóng tác theo truyện Tàu.

Nghệ sĩ Bảy Năm trong trang phục diễn.

Không dừng lại ở khả năng quản lý tốt đoàn hát và diễn xuất hay trên sân khấu, nghệ sĩ Bảy Nam còn viết những tuồng rất ăn khách như: Gươm vàng máu đỏ, Lê Lợi khởi nghĩa, Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Tiêu Anh Phụng loạn trào,… Tuy nhiên, do ôm đồm quá nhiều vai trò, nên không tránh khỏi sơ suất, thất thoát nhất là vấn đề tài chánh, năm 1935, đoàn Đại Nam Hưng phải sát nhập với gánh Phước Cương của người chị là cô Năm Phỉ để trở thành gánh Đại Phước Cương. Khi cô Năm Phỉ rời gánh hát, thành lập đoàn cải lương Năm Phỉ (1937), ông Nguyễn Ngọc Cương chính thức tái hôn với cô Bảy Nam về sau này được 3 người trong đó nổi bật là NSND Kim Cương.

Bảy Nam và con gái – NSND Kim Cương.

Khi ông Nguyễn Ngọc Cương mất (1940), đoàn Đại Phước Cương sa sút dần rồi đi đến rã gánh. Nghệ sĩ Bảy Nam sang hát cho đoàn hát Nam Phong ở vị trí của một trong những nghệ  nòng cốt của đoàn. Nơi đây, Bảy Nam gá nghĩa vợ chồng với soạn giả Duy Lân. Bầu gánh Nam Phong là cô Chín Bia, em ruột Bảy Nam và đào chánh lúc bấy giờ là nghệ sĩ Kim Cương. Khi đã nổi tiếng trên sân khấu cải lương, nghệ sĩ Bảy Nam bước thêm sang lĩnh vực kịch nghệ và điện ảnh và bà cũng thành công tốt đẹp, được công chúng mến mộ.

Trong lĩnh vực kịch nghệ, nghệ sĩ Bảy Nam đã thủ diễn xuất sắc trong những vai rất khó có người thay thế trong ác vở kịch: Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao,… Công chúng nghệ thuật đã không bao giờ quên, trong vở Lá sầu riêng, với hình ảnh à Bảy Nam qua vai người mẹ quê nghèo khổ trong chiếc áo dài cũ sờn vai lốm đốm nhiều chỗ vá, đầu đội chiếc nón lá bung vành, tay xách cái giỏ đệm phai màu. Người mẹ quê đáng thương đã phải uất nghẹn, nén nỗi đau thầm, khệnh khạng cố lê từng bước chân ngập ngừng để tới nhà xui gia bất đắc dĩ vốn là cường hào ác bá để thăm người con gái là cô Diệu – do nghệ sĩ Kim Cương thủ vai- cùng đứa cháu ngoại tên Sang. Khán giả già trẻ cả hí trường khi ấy không sao cầm được nước mắt trước xen diễn (scen) xuất thần từ sự nhập vai như thật ngoài trường đời của nghệ sĩ Bảy Nam.

Ở môi trường điện ảnh, nghệ sĩ Bảy Nam thành công tốt đẹp trong ác bộ phim Việt Nam: Hoa lục bình, Ngọn cỏ gió đùa, Về nguồn, Một thoáng đam mê,… Đáng chú ý ở chỗ bà là nữ nghệ sĩ đầu tiên ở Sài Gòn xưa được công ty điện ảnh Intermondial (Điện ảnh Thế giới) mời sang Kampuchia quay phim Mort en Fraude (Chết tại Fraude) của đạo diễn Marcel Camus. Nghệ sĩ Bảy Nam cùng đóng với các diễn viên nước ngoài như: Daniel Gélin, người từng thủ vai vua Napoléon trong một bộ phim cùng tên. Diễn viên nữ trong phim là Anne Méchard cũng là một tài năng điện ảnh, vô cùng xinh đẹp, tính cởi mở, từng đóng hàng chục phim của nhiều hãng khác nhau.

Thời gian tuổi chiều, khi không còn điều kiện tới sân khấu, để kỷ niệm và bày tỏ lòng đam mê, phải nói là hơi thở – sân khấu của một nghệ sĩ hàng đầu, NSND Bảy Nam cho treo ở phòng riêng của mình những áo, mũ hát tuồng của mình. Nhân việc làm này của nghệ sĩ Bảy Nam, tôi chợt nhớ lại lời má Bảy Nam – từ dùng của anh em nghệ sĩ thế hệ sau với Bảy Nam, Phùng Há – một lần đã khuyên NSƯT Hữu Châu khi anh lỡ làm mất đôi bông tai mù u để làm đạo cụ: “Con đi hát mà con bạc với đồ hát, đạo cụ của mình, làm sao con hát cho hay?”.  Trong một lần kỷ niệm ngày giỗ của nghệ sĩ Bảy Nam, sau khi ca bài “Ly rượu đoàn viên” (Thu An), NSND Minh Vương có dịp bày tỏ lòng trân trọng nghệ sĩ Bảy Nam và Phùng Há, hai nghệ sĩ đỉnh cao trong giới sân khấu miền Nam như hai tấm gương sáng trong lành để cho các thế hệ sau nhìn vào mà phấn đấu.

Để ghi nhớ công ơn hai nghệ sĩ lớn đầu đàn của nền sân khấu cải lương Nam bộ, NSND Minh Vương đã đề nghị chính quyền TP. Hồ Chí Minh đặt tên cho hai NSND Bảy Nam và Phùng Há, trong khi hiện nay đã có những con đường mang tên: NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Lê Long Vân (Ba Vân), NSND Trần Hữu Trang.

Với NSND Kim Cương, nghệ sĩ Bảy Nam ở vị trí người mẹ máu thịt lẫn người mẹ trải nghiệm về chuyên môn, luôn hỗ trợ hết mức cho người con gái tài hoa đi theo con đường nghệ thuật bà đi. Bảy Nam vừa lo tiếp công việc nội vụ vừa góp ý về chuyên môn cho Kim Cương trước khi hoàn tất các vở kịch để cho ra mắt trên sân khấu. NSND Kim Cương chân tình tâm sự: “Tuồng nào tôi cũng đọc cho má nghe, rồi má góp ý bổ sung. Ơn má không bút nào tả hết”. Cho đến ngày sau cuối, khi gần hoàn toàn kiệt sức, nghệ sĩ Bảy Nam vẫn đòi bác sĩ phá lệ cho bà lên sân khấu tiếp tục trình diễn.

Viết đến đây, tôi càng cảm thấy bồi hồi cảm xúc, nhớ lại những vần thơ đau đáu nỗi niềm về cuộc đời của nghệ sĩ sân khấu của một nhà giáo – nhà thơ đáng kính: “Màn khép lại rồi, danh lợi hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo, lau son phấn/ Trả hết vinh hoa lẫn bụi đường” (Hoàng  Như  Mai) cùng với vở hát nổi tiếng Sân khấu về khuya của nghệ sĩ kháng chiến Nguyễn Thành Châu mà tôi có dịp xem lại sau năm 1975 tại nhà hát Trần Hữu Trang, TP. Hồ Chí Minh.

Nhận định về NSND Bảy Nam, GS.Nhà thơ Hoàng Như Mai đã viết trong hồi ký của nghệ sĩ: “Nghệ sĩ sân khấu, nếu thật là nghệ sĩ tài năng, là bảo vật vô giá của nhân loại, không vàng ngọc nào sánh được. Nghệ sĩ Bảy Nam là một trong số quý hiếm ấy”.

Tương Như