Cây vĩ cầm nhiệt đới – Trích Tiểu thuyết của Vũ Tuấn Hoàng

899

Chương XXII

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chỉ một tuần sau, tôi đã nhận được một phong bì thư dày. Mới cầm lên, nhìn lướt qua, tôi đã biết ngay chủ nhân của nó. Tôi nói với ông tổng biên tập là phải đi lấy tư liệu ở thư viện Quốc gia trên phố Tràng Thi, nhưng kỳ thực, đây là một chỗ mà tôi có thể yên tĩnh ngồi đọc mà không bị ai quấy rầy. Tôi tin chắc rằng nó không phải là một bức thư bình thường, dăm ba dòng chào hỏi xã giao lấy lệ, mà chắc chắn phải là sự bộc bạch nội tâm của một người đàn bà từng trải với bao  thăng trầm uẩn khúc.

Nhà văn Vũ Tuấn Hoàng 

“Việc tình cờ gặp lại anh, tôi xem như là một định mệnh. Bởi vì ngoài anh ra, không một ai biết được cái bi kịch sâu kín của cuộc đời tôi. Tôi chỉ định ở lại Nha Trang một ngày, song để có thời gian, tôi quyết định nán lại thêm cho đến khi viết xong bức thư này.

Chắc chị Nhâm cũng đã cho anh biết về việc bỏ đi của chồng tôi.

Tôi viết những dòng này không phải để thanh minh với anh, cũng không phải để anh rủ lòng thương đến một người đàn bà bị chồng ruồng bỏ. Thời gian mười năm qua đã làm tốt công việc của mình. Hạnh phúc của tôi bây giờ là được trông thấy con cái trưởng thành. Tôi sống cũng vì chúng nó.

Tôi mong rằng, sau khi đọc xong lá thư này, anh hãy đốt nó đi!

Song, có lẽ đấy chỉ là ý muốn đơn phương của tôi mà thôi. Tôi biết các anh, những người viết báo viết văn vẫn thường sử dụng các chất liệu của đời sống xung quanh để xây dựng nhân vật, cốt truyện cho các tác phẩm của mình. Đối với các anh thì chẳng có cuộc đời nào là đáng bỏ đi cả, dù đó là hạnh phúc hay bất hạnh, thậm chí là tội lỗi. Nếu anh có làm như vậy thì tôi chỉ yêu cầu anh một việc: Thay tên đổi họ của tôi và những người có liên quan. Tôi viết lá thư này cho anh cũng xem như là một hành động ăn năn sám hối, hay nói theo ngôn ngữ văn chương là sự dâng hiến cho nghệ thuật, dù ở dưới dạng nguyên liệu thô sơ.
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo thuộc tỉnh Nghệ An. Bố mẹ tôi có ba người con gái, tôi thứ ba. Trong làng, bố tôi cảm thấy mình yếm thế vì đẻ toàn con gái. Ngay từ khi còn nhỏ, một ông thầy tướng trong làng nói với bố mẹ tôi rằng, trong ba cô con gái thì chỉ có tôi là khá hơn cả, bố mẹ được nhờ nhưng cuộc sống gia đình vất vả. Ngẫm đi ngẫm lại thấy ông thầy tướng mắt toét nói thế mà đúng. Con người ta có số cả rồi, không chạy trốn đi đâu được.

Bố tôi là thương binh cụt một chân thời chống Mỹ. Thỉnh thoảng, cụ vẫn về thăm lại Khe Sanh và nói đùa là: Đi tìm lại chiếc chân trái của mình. Người dân quê tôi rất hóm hỉnh, trào lộng ngay cả khi cuộc sống cùng cực nhất.

Một sự việc xảy ra trong gia đình khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và nó ảnh hưởng đến hành động của tôi sau này. Chị gái tôi là thanh niên xung phong, mãi đến năm 26 tuổi vẫn chưa có chồng. Hồi đó, vào tuổi ấy mà chưa xây dựng gia đình thì coi như ế và là một nỗi nhục cho cả gia đình, họ mạc.

Thế nhưng đùng một cái, chị có thai.

Tôi nhớ hôm ấy đi học về, vừa đến đầu ngõ đã nghe thấy tiếng bố tôi la hét trong sân, tiếng bà con xóm giềng chạy rầm rập, trẻ con gọi nhau í ới. Bước vào cổng nhà, một cảnh tượng khó quên bày ra trước mắt: Chị tôi bị trói giật cánh khuỷu vào gốc cây cau, đầu bị cạo trọc. Bố tôi một tay chống nạng, một tay cầm chiếc roi mây dài, thỉnh thoảng lại vung lên quất vun vút trong không khí. Bố tôi đang tra hỏi ai là bố đứa bé trong bụng. Tôi nấp ở sau gốc cây na nhìn và phát hiện ra một điều: Bố tôi mồm thì mắng chửi chị sa sả, nhưng hai hàng nước mắt ông chảy quanh. Những ngọn roi ông vung lên, quật xuống nghe rất ghê nhưng chủ yếu quất vào thân cây cau. Tôi bỗng hiểu ra một điều, bố đang diễn một vở kịch với hàng xóm láng giềng. Đêm hôm đó, tôi nghe lỏm thấy bố mẹ tôi bàn với nhau trong buồng là đưa chị tôi tới nhà của một người bà con xa ở Quảng Bình để sinh nở, chứ còn để ở nhà thì khó mà sống được với miệng lưỡi cay độc của thiên hạ. Bố tôi là một quân nhân lâu năm, trông bề ngoài khô khan ít nói, thế mà đêm hôm đó, ông khóc thành tiếng như một đứa trẻ. Ký ức này thường xuyên trở lại với tôi, nhất là vào những đêm đông băng giá trong một căn buồng nhỏ trên tầng chín của khu ký túc xá liên hợp dệt may Vorosilov tại tỉnh L. thuộc nước cộng hòa Ucraina năm năm sau đó. Tôi nhớ mãi cái đêm biểu diễn văn nghệ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Khu liên hợp. Các nữ công nhân Việt Nam đóng góp tiết mục múa sạp và múa nón. Mặc dù không nhìn nhưng tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt khác thường của anh chàng nhạc công điển trai tóc xõa ngang vai chơi ghi-ta dán lên người tôi. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời có một người đàn ông nhìn tôi một cách đắm đuối và đa tình như vậy. Trong đáy sâu tâm hồn tôi, một cái gì đó chuyển động khiến người sởn da gà, mặt nóng bừng, các ngón tay lạnh ngắt. Trong trang phục áo dài dân tộc, tôi cảm thấy mình đẹp nổi bật và gây nên nhiều tiếng xì xào bàn tán ở mấy hàng ghế đầu. Sau tiết mục của chúng tôi là đến một vở kịch tự biên tự diễn về đề tài tiết kiệm. Tôi đang còn đứng ở gần cửa sau cánh gà thì chợt cảm thấy ai đó bóp nhẹ vào tay mình và một giọng nhẹ nhàng, ấm áp vang lên sát bên tai: “Tôi có thể tiễn cô về được không?”.

Quay lại, tôi nhận ra chàng trai chơi ghi-ta. Ánh sáng từ sân khấu hắt ra khiến nửa người anh rực rỡ trong ánh đèn, nửa kia lại chìm trong bóng tối của màn đêm bên ngoài đã buông xuống. Từ trước tới giờ, chưa có ai cư xử với tôi một cách lịch sự và hào hoa như vậy. Từ người anh tỏa ra mùi nước hoa đàn ông thơm dìu dịu hết sức quyến rũ. Mọi phản ứng của tôi hầu như bị tê liệt. Bất chợt có tiếng mấy đứa bạn í ới gọi tôi về. Tôi như giật mình choàng tỉnh, rụt  tay lại và vội vã chạy lại phía các bạn. Tối hôm đó, tôi không tài nào chợp mắt được, cứ trở mình luôn trên chiếc giường lò xo. Gương mặt, đôi mắt và nụ cười phô hàm răng trắng đều của chàng nhạc công cứ lởn vởn trước mắt. Chiếc kim đồng hồ hình vệ tinh màu xanh bay không biết bao nhiêu vòng mà mắt tôi vẫn ráo hoảnh. Cô bạn gái cùng phòng trong mơ nói cười lảm nhảm thật vô tư. Sáng ra đi làm, nhìn trong gương thấy hai mắt thâm quầng, nhưng trong lòng lại rất vui như có ngọn lửa đang nhảy múa. Lúc đi ăn cơm trưa về, tôi thấy một bông hoa hồng để ngay trên bàn máy khâu. Tôi lặng người đi và hiểu ai đã đặt lên đây trong lúc cả phân xưởng tắt đèn nghỉ ăn trưa. Những quan tâm nho nhỏ đó trở nên thường xuyên hơn và đến một lúc nào đó, tôi chợt hiểu rằng tôi nóng lòng đến chỗ làm chỉ để được nhìn thấy anh. Ngày nghỉ đối với tôi thật ảm đạm và dài lê thê. Tôi rất tích cực học tiếng Nga và đã có được những tiến bộ khiến cô giáo dạy Nga văn đề nghị nhà máy khen thưởng. Mùa thu vàng đầu tiên khiến tôi bàng hoàng vì vẻ đẹp mê hồn như trong một giấc mơ. Và, tôi đã nhận lời mời đi xem phim với anh. Trên hàng ghế cuối cùng của rạp, hai chúng tôi đã không cưỡng lại được một nụ hôn ngây ngất. Nụ hôn đầu tiên và có lẽ là nồng nàn nhất mà tôi còn nhớ được. Bằng linh cảm, tôi hiểu rằng ngồi bên tôi là người đàn ông đầu tiên trong cuộc đời mình.
– Chủ nhật tuần này, em có bận không? – Andrey hỏi.
– Em cũng chưa biết…
– Đi ra nhà nghỉ ngoại ô của gia đình anh chơi đi, chúng ta đi hái nấm, mùa này chơi cả ngày trong rừng cũng không chán!
Tôi hiểu rằng mình không cưỡng lại được lời mời đó, song đi cả một ngày như thế không thể giấu được đám bạn cùng phòng.

Tôi nói dối là Chủ nhật này đến nhà bà trưởng ca Valia chơi.
Buổi sáng sớm hôm đó, tôi vừa thức dậy, vén tấm rèm cửa sổ nhìn xuống đường đã thấy chiếc xe Moskovich màu xanh đậu ở trước cổng lối vào, phía bên kia đường. Andrey hé cửa xe để hút thuốc. Tôi nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân và khoác thêm chiếc áo ấm phòng thời tiết thay đổi. Lúc khép cửa lại vẫn thấy cô bạn cùng phòng ngủ say như chết, mái tóc đen dài xõa trên chiếc gối trắng tinh. Ở dưới tầng một vắng tanh không một bóng người. Bà gác cổng ngủ gà ngủ gật trong chiếc bốt gác của mình, cuộn len chắc bà đang đan dở rơi xuống đất lăn ra gần sát chiếc bàn để thư từ sách báo. Tôi bước ra ngoài và làm bộ như không nhìn thấy chiếc xe đang đậu đó, cứ dọc vỉa hè bên phải mà đi. Đi được một lúc thì chiếc xe đuổi kịp, phanh kít lại sát bên. Andrey mở rộng cánh cửa xe. Tôi nắm lấy bàn tay của anh đưa ra đỡ và chiếc xe rồ máy tăng tốc. Sương buổi sáng còn đọng thành từng giọt trên cửa kính, nhà cửa cây cối hai bên đường loang loáng lướt qua như trong một cuốn phim. Hai ánh mắt chúng tôi gặp nhau và chẳng cần sử dụng đến ngôn ngữ, cùng ngầm hiểu: Cả ngày hôm nay là của riêng chúng tôi.
Những gì mà trước đây tôi chỉ được xem qua phim ảnh, mà cũng chỉ rất hãn hữu, về cuộc sống của một xã hội xã hội chủ nghĩa thì bây giờ đã trở thành hiện thực. Gia đình có xe ô tô riêng, có căn hộ và nhà nghỉ cuối tuần ở ngoại ô. Lúc đó, đối với tôi là thiên đường. Từ một thế giới mà miếng ăn không đủ no, áo quần không đủ mặc, tôi rơi vào một nơi mà chân giò lợn người ta cho chó ăn, thứ Bảy, Chủ nhật người lao động chỉ nghỉ ngơi xem phim xem ca nhạc. Vào nhà ai, dù chỉ là một người thợ cả, trong nhà đều có tủ sách và chiếc đàn piano cho con cái học. Tôi vẫn ước ao được sống trong cái xã hội đó. Và, hình như cơ hội đã đến với tôi…

Chiếc xe rời đường quốc lộ lớn chạy vào một cánh rừng thông, các thân cây thẳng tắp lao vút lên bầu trời đã chan hòa ánh nắng chói chang. Con đường mòn nhỏ hẹp, gập ghềnh chạy ngoằn ngoèo trong rừng, thỉnh thoảng lại gặp một căn nhà gỗ xinh xinh với một đám trẻ con ăn mặc sặc sỡ, tinh tươm đang nô đùa chạy nhảy trên bãi cỏ gần đó. Mọi người đốt lửa, nướng thịt và ca hát nhảy múa xung quanh thật vui vẻ, thanh bình.
Andrey đạp phanh dừng xe lại bên một ngôi nhà gỗ nhỏ, mái nhọn và quét sơn màu xanh lá cây. Qua cửa kính xe, tôi thấy lấp lóa ánh phản chiếu của một hồ nước cách đó không xa.
– Đến nơi rồi – Andrey nói và quay sang hôn lên má tôi.
Không khí thật trong lành. Tôi bước ra ngoài đi đi lại lại ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Không hiểu sao, tôi lại chạnh lòng nhớ tới làng quê tôi, nhớ dãy núi Tùng, con sông Mai, nhớ những buổi đi cắm trại, đi kiếm củi trong núi… Nước mắt tôi bỗng ứa ra vì thấy quê hương mình nghèo khổ quá, con người mình lam lũ nghèo đói quá. Khi sang đến Liên Xô, lần đầu tiên trong đời tôi mới biết sử dụng xu chiêng và cầm đến thỏi son môi.

– Vào đây cầm cho anh chiếc giỏ này đi!

Tiếng gọi của Andrey từ trong ngôi nhà vọng ra níu tôi trở về với hiện tại. Tôi quay lại và bước lên mấy bậc thang gỗ dẫn vào trong phòng. Mùi gỗ thông thơm thơm xộc vào mũi thật dễ chịu. Andrey đang đứng lên trên chiếc ghế con để với mấy chiếc làn treo ở phía trên sát trần nhà.

– Cái nhỏ cho em, còn cái to để anh!

Chúng tôi cầm theo hai con dao nhỏ để cắt nấm. Andrey dắt vào thắt lưng một chiếc rìu lớn, cán gỗ trơn bóng.

– Cần lấy ít củi về làm món thịt nướng và nấu súp nấm.

Hai chúng tôi đi bộ lang thang trong rừng. Thỉnh thoảng cũng gặp những người đi hái nấm như chúng tôi. Họ đều nhìn chúng tôi bằng một ánh mắt ngỡ ngàng đầy vẻ tò mò. Tôi cảm nhận được vẻ tự hào qua gương mặt của Andrey. Chính từ những giây phút đó, tôi mới nhận thức được giá trị sắc đẹp của bản thân. Chính từ đó tôi cảm thấy mình tự tin và mạnh dạn hơn. Vừa đi hái nấm, Andrey vừa kể cho tôi nghe về vở kịch “Vua Lia” của Shakespear, khi đó tôi tưởng đó là một nhà văn Nga. Andrey đang chuẩn bị thi vào khoa biên kịch trường điện ảnh ở trên Matxcova. Anh vừa đi làm tại nhà máy vừa chuẩn bị ôn thi. Đến đoạn hoàng tử nước Pháp cầu hôn cô công chúa thứ ba, người con gái đã bị vua Lia tước hết của cải hồi môn chỉ vì dám so sánh tình yêu với cha mình quý như… muối. Chàng hoàng tử nước Pháp đã nói: Chính sắc đẹp của nàng đã là một tài sản lớn rồi. Nói đến đây, Andrey để giỏ nấm xuống và bế tôi trên tay: “Đối với anh, em cũng là một tài sản lớn”. Những chiếc nấm trong giỏ của tôi bị đổ ra rơi xuống xung quanh. Tôi cảm giác như trong một giấc mơ. Ánh mặt trời chiếu qua các vòm cây làm tôi lóa mắt. Tôi đưa tay lên che mặt và cảm thấy hai má nóng bừng. Andrey đặt tôi xuống lớp lá vàng dày như một tấm đệm. Mùi cỏ cây mùa thu thơm thoang thoảng, sạch sẽ. Một chú chồn hương chạy vụt qua khiến cả hai giật mình.Chúng tôi không cưỡng lại được một nụ hôn ngây ngất, đượm hương vị ngai ngái của không khí mùa thu trong rừng. Trong vòng tay của anh, bản năng đàn bà trong con người tôi được đánh thức. Mọi rào cản bị xóa nhòa. Chỉ có bản thể lên tiếng…

Sau đó, hai chúng tôi nằm im trên đệm lá, ngửa mặt lên trời ngắm những tia ánh sáng xuyên qua các vòm lá vàng rực. Rừng mùa thu như một cơ thể sống đang chầm chậm chuyển mình vào đông. Tiếng chim chóc cũng thưa thớt hơn. Gió cũng nhẹ hơn, chỉ khiến các cành cây khẽ lay động, run rẩy. Mãi sau, tôi ngồi dậy và thu dọn lại chỗ nấm rơi vung vãi. Khi quay trở về, chúng tôi hầu như đi trong im lặng.

Giữa hai con người đã có một sự ràng buộc vô hình, ít nhất là từ phía tôi cảm thấy. Đến gần hồ nước, Andrey hạ một thân cây khô khá lớn và kéo về để nhóm lửa trên bãi trống ngay trước ngôi nhà. Công việc này, tôi cũng không lạ gì nên chẳng mấy chốc mùi thịt nướng đã tỏa ra ngào ngạt. Andrey vào trong xe lấy ra mấy chai rượu vang, bia và nước hoa quả. Chúng tôi kê bàn ngay ở ngoài và ăn uống ngon lành. Tình yêu khiến con người ta ăn uống ngon miệng hơn. Một con chó hoang không biết từ đâu chạy sán đến, ghếch chiếc mũi ươn ướt lên trên mặt bàn. Tôi vốn không ưa chó, nhưng không hiểu sao bỗng thấy thương thương chú chó hoang có đôi mắt buồn. Tôi dồn tất cả chỗ thịt còn lại vào bát và đặt xuống dưới đất cho nó.

– Anh nghe nói ở Việt Nam, người ta ăn cả thịt chó có đúng không?

– Không những chỉ ăn, mà còn là món khoái khẩu của nhiều người.

Andrey nhún vai tỏ ra ghê sợ và không hiểu nổi – Thế chẳng khác gì ăn thịt người!

Tự nhiên, xuất hiện một khoảnh khắc im lặng, gượng gạo ngăn cách giữa chúng tôi.

Một lúc sau, Andrey quay vào trong nhà và mang ra cây đàn ghi-ta. Anh ngồi bệt xuống ngay bậc cầu thang gỗ và cất tiếng hát. Tôi ngồi nghe anh hát, thỉnh thoảng lại ném mấy cành củi khô vào đống lửa. Nồi súp nấm đang sôi lúc búc, tỏa những sợi khói nhè nhẹ lên không trung.

– Anh sẽ vẽ em đang ngồi bên đống lửa thế kia, đúng là một bức tranh không có tiền lệ. Một thiếu nữ phương Đông ngồi giữa khung cảnh mùa thu vàng Nga. Levitan nếu có nhìn thấy cảnh này cũng phải nảy ra ý định sửa lại kiệt tác “Mùa thu vàng” nổi tiếng của mình – Nói đến đây, anh bỏ đàn xuống và bước đến bên tôi. Anh cúi xuống hôn lên mái tóc tôi.

– Tóc em thơm mùi nấm.

Anh bế tôi lên và đưa vào trong nhà. Ở ngay bậc thang lên xuống, một chiếc lá phong vàng từ trên mái nhà theo gió trượt xuống, đảo mấy vòng trong không trung và rơi lên mặt tôi. Andrey cúi xuống dùng môi cặp chiếc lá đó lên. Trên chiếc giường con bằng gỗ thông có trải tấm đệm lông chim mềm mại, người tôi nổi da gà khi chiếc lá kẹp trong đôi môi của Andrey khe khẽ từ từ cọ lên toàn bộ thân thể để trần của tôi.

– Em có chiếc bớt giống hình chiếc lá này.

– Ông trời đã đánh dấu em để khỏi nhầm với người khác.

– Chúng mình sẽ lấy nhau, mọi người sẽ phải ghen tỵ vì hạnh phúc của chúng ta.

– Đừng nói trước anh…

Dự cảm không lành của tôi đã trở thành sự thật.

Đó là bữa cơm đầu tiên, tôi được mời đến gia đình nhà Andrey. Tôi vẫn được đọc hay xem phim nói về những bà mẹ Nga hiền hậu, tốt bụng đầy lòng nhân ái. Nhưng khi vừa treo chiếc áo khoác mùa đông nặng trịch lên mắc, tôi giật mình quay đầu lại vì cảm thấy ớn lạnh bởi một cái nhìn soi mói, lạnh lùng của một người đàn bà gầy khô và đẹp một cách đanh ác, đang đứng tựa vào cạnh cửa ra vào. Bà ta hoàn toàn tương phản với ông chồng, to béo, đôn hậu và xởi lởi. Tôi bị ánh mắt của bà làm cho luống cuống, mất bình tĩnh. Tôi không tài nào sử dụng dao nĩa được và hầu như trong suốt bữa ăn, tôi không nói thêm một câu nào trừ những câu trả lời ngắn gọn với một thứ tiếng Nga sai bét. Bữa ăn chỉ nửa tiếng đồng hồ, nhưng với tôi nó dài như một đêm mất ngủ. Lưng áo đẫm mồ hôi. Bà mẹ Andrey suốt bữa không nói câu gì và cuối cùng, trước khi đứng dậy khỏi bàn ăn có hỏi một câu:

– Máy bay Mỹ có ném bom và rải chất độc hóa học xuống quê cháu không?

– Tất nhiên rồi ạ! Cháu khi đó còn bé, phải đội mũ rơm và sống dưới hầm trú ẩn…

Tối về, nằm trên giường tôi mới hiểu rằng mình không thể nào hòa nhập vào được cuộc sống của gia đình Andrey.

Song, bây giờ tôi mới hiểu ra như vậy thì đã muộn.

Tôi ngụy trang việc nôn khan của mình bằng chứng bệnh đau dạ dày do thức ăn không hợp. Cũng may là đang mùa đông, chiếc áo lông rộng thùng thình che cái bụng của tôi bắt đầu to dần lên. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi gặp phải chuyện này. Nếu để lộ ra, tôi chắc chắn bị cắt hợp đồng lao động và phải về nước. Hình ảnh chị gái tôi bị buộc vào cây cau trước nhà lại hiện lên đêm đêm. Cha mẹ tôi không biết sẽ làm gì khi biết tin này. Đây sẽ là nỗi nhục cho cả làng xóm, họ mạc. Tôi mất ngủ nhiều đêm chỉ để suy nghĩ xem có nên nói thẳng ra với Andrey về cái thai trong bụng hay không. Quả thật là tôi không có một ai để thổ lộ nỗi niềm của mình, để cầu xin sự giúp đỡ. Lần lữa mãi, trong một buổi đi trượt tuyết ở ngoại ô thành phố, tôi mệt tưởng muốn đứt hơi khi vác hai thanh trượt tuyết lên đỉnh dốc. Lên đến nơi, đầu óc tôi quay cuồng, chân tay bủn rủn. Andrey đỡ lấy lưng tôi và hỏi:

– Em làm sao vậy?

– Hình như em có mang – Tôi mệt mỏi trả lời.

– Thật không? – Andrey hỏi vẻ thảng thốt – Chúng ta sẽ tìm cách giải quyết. Để anh nói với mẹ ngay hôm nay và chúng ta sẽ làm lễ cưới.

Cả ngày hôm đó, tôi chờ đợi. Ngày hôm sau và hôm sau nữa cũng không thấy Andrey đến gặp. Tôi không thể tập trung vào công việc được. Một đống hàng may hỏng chất bên cạnh. Cô trưởng kíp Galia mặt mày sưng sỉa, quát tháo ầm ỹ vì tiến độ của cả dây chuyền bị chậm lại. Mãi sau, Andrey mới đi qua chỗ tôi ngồi và nói nhỏ vào tai mấy câu: “Ra chỗ đầu cầu thang gặp nhau”. Anh đi khuất được một lúc, tôi cầm chiếc cốc lên và đi về phía cầu thang như định ra lấy nước pha trà. Tôi biết chỗ này đám thợ sửa chữa máy hay ra ngồi hút thuốc, tán gẫu. Tôi bảo anh lên tầng trên, vào trong phòng chứa vải vụn nói chuyện. Phòng này thường đóng cửa suốt ca làm việc, chỉ cuối giờ mới mở cho đám lao công quét dọn dồn vải thừa ở các phân xưởng vào. Tôi phải nói như hét lên vì động cơ của chiếc quạt thông gió để ở ngay cuối phòng.

– Thế nào anh? – Tôi hỏi và nhìn vẻ mặt thiểu não của anh cũng đoán ra được phần nào câu trả lời.

– Mẹ anh cương quyết phản đối. Mẹ khuyên nên… nên đi… phá thai. Mẹ anh bảo các loại chất độc hóa học sử dụng ở Việt Nam thời chiến tranh sẽ làm quái thai… hậu quả để lại có khi sau hàng chục năm… di truyền… Mẹ anh là bác sĩ nên biết…

– Thế ý kiến của anh thì sao? – Tôi gào lên hỏi và cảm thấy một niềm căm giận trào lên.

– Anh cũng không biết nữa, em cho anh thời gian suy nghĩ đã, anh cũng bị bất ngờ… Nhưng có đúng là em có con với anh không? Em không quan hệ với ai khác nữa chứ? Những bạn bè đồng hương chẳng hạn? Anh làm sao biết được. Nếu em cần tiền… gia đình anh sẽ chu cấp để giải quyết việc này.

Tôi hất nhào chiếc giỏ nhựa lớn để bên cạnh, vải vụn tung tóe ra sàn nhà.

– Anh bước ra ngay khỏi đây đi, tôi không muốn nhìn mặt anh nữa! Anh về nói với mẹ anh rằng, tôi không cần tiền của bà ấy. Tôi tự giải quyết được.

– Đừng nổi giận với anh như thế, anh vẫn yêu em mà!

– Anh cút ngay ra khỏi đây đi!

Trong cơn giận dữ, hình như tôi định quay ra tìm một vật gì đó để phang, nhưng cuối cùng, khi Andrey luống cuống bước ra và khép cửa lại, tôi chỉ ném theo anh ta được nắm vải thừa cắt ra từ quần áo lót phụ nữ. Một nửa chiếc xu chiêng mắc vào nắm đấm cửa lúc la lúc lắc.

Còn lại một thân một mình, tôi chỉ biết khóc nấc lên vì tủi thân, vì không biết cần phải làm gì trong những ngày sắp tới?
Tôi nhớ, cái thai trong bụng tôi đã ở vào khoảng tháng thứ năm. Chẳng còn biết làm gì hơn, tôi liều mạng một mình đến bệnh viện thành phố. Người ta chỉ cho tôi phòng khám phụ khoa, bên ngoài hai dãy ghế rất đông người ngồi. Mọi người nhìn tôi bằng một ánh mắt tò mò. Một số phụ nữ bụng mang dạ chửa đều có chồng đi cùng. Họ ngồi tựa lưng vào vai chồng hoặc ôm nhau rất tình cảm. Nước mắt tôi bỗng trào ra vì nghĩ đến thân phận mình. Không hiểu sao, tôi bỗng căm ghét người đàn ông mà mới vừa đây thôi tôi còn đem lòng yêu thương và lòng căm ghét này lây sang cái thai đang nằm trong bụng. “Phải giải quyết không được chậm chễ” – Tôi nhủ thầm. Tháng sau sẽ là đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, mọi việc sẽ bị lộ tẩy và cái án kỷ luật bị đuổi về nước trước hợp đồng sẽ trở thành hiện thực. Nỗi lo sợ khiến nước mắt cũng khô đi và xúi bẩy con người ta đi đến những bước liều lĩnh.

Tôi giật nảy mình vì tiếng gọi của cô y tá vừa thò đầu ra.
Bác sĩ phụ khoa là một ông già khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn. Ông đeo cặp kính cận dày cộp và đôi mắt trông có vẻ gì đó tội nghiệp. Đàn ông làm cái nghề này thì chắc cũng là vạn bất đắc dĩ.

– Năm nay bao nhiêu tuổi?

– Mười tám.

– Phụ nữ phương Đông trông như trẻ con, thật khó đoán tuổi. Có chồng chưa? – Cô y tá hỏi để ghi vào bệnh án.

– Dạ, có – Tôi nói giọng không hề run.

– Có thai lần thứ mấy.

– Lần đầu ạ. Tôi muốn nạo thai.

– Tại sao vậy?

– Chúng tôi sang đây không được quyền có con.

– Tại sao?

– Trong hợp đồng quy định như thế.

Cô y tá quay đầu lại nhìn ông bác sĩ và nhún vai tỏ vẻ không hiểu.

Ông già khám cho tôi xong và tuyên bố một câu lạnh lùng:

– Thai đã quá lớn để có thể nạo, chúng tôi khuyên cô nên để đẻ.
Tôi hoảng sợ nói chống chế:

– Không được, người ta cấm chúng tôi…

– Tôi nhắc lại, nạo tại thời điểm này sẽ nguy hiểm đến tính mạng và hạnh phúc sau này của chính bản thân cô. Cô có muốn bị vô sinh không?

Tôi chực òa lên khóc nhưng không hiểu sao cứ thấy nghẹn ở nơi cổ.

Tôi thất thểu bước ra khỏi cổng bệnh viện. Khi đi ngang qua đường, suýt nữa thì tôi bị một chiếc xe tải cán phải. Tiếng bánh xe rít lên trên mặt đường nhựa chói tai. Ông lái xe thò cổ ra quát um lên: “Mắt mù à, chán sống rồi hay sao?!” Sang đến bên đường bên kia, tôi tự nhủ thầm trong bụng: “Chiếc xe đó mà đâm vào mình thì nhẹ gánh biết bao?”.

Trên bến tàu điện, tôi tình cờ gặp bà trực ký túc xá nơi tôi ở. Nhìn thấy gương mặt tôi, bà vội hỏi:

– Cháu bị ốm à? Bệnh gì thế?

Nhìn khuôn mặt hiền hậu của bà, tôi bỗng òa lên khóc nức nở. Bà kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế gần đó và ôm lấy tôi nựng như một đứa trẻ. Mọi người đứng đó quay cả lại nhìn chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Đúng lúc đó, chiếc tàu điện nặng nề kêu leng keng chạy đến. Mọi người lên hết, trên bến vắng tanh chỉ còn lại hai bà cháu. Và, tôi đã kể hết sự tình cho bà nghe…

Một đàn chim bồ câu từ mái nhà bệnh viện sà xuống xung quanh chỗ chúng tôi ngồi. Chúng chen nhau mổ những mẩu bánh mì, những hạt hướng dương vương vãi trên mặt đất. Bà Sura lôi từ trong túi ra những mẩu bánh mì khô và tung xuống đất cho bầy chim.

– Đừng hành động thiếu suy nghĩ như vậy, bà sẽ giúp cháu – Sau một lát im lặng, bà nói – Còn bây giờ về nhà bà đi!

Những tháng cuối cùng, tôi vào viện nằm với bệnh án điều trị là viêm loét dạ dày. Bà Sura xin cho tôi một phiếu đi nghỉ điều dưỡng ở khu nghỉ mát “Mặt trời” ở bờ biển Azov. Tại đây, tôi đã vượt cạn một mình. Khi người ta giơ đứa bé lên trước mặt tôi, điều đầu tiên tôi quan tâm là xem đứa trẻ có bị tật nguyền gì không vì câu nói của mẹ Andrey cứ ám ảnh tôi mãi.

– Một cháu gái khỏe mạnh, kháu khỉnh – Bà đỡ nói.

Khi cô hộ lý cuốn tã cho cháu ở giường bên cạnh, tôi quay sang nhìn thấy một vết bớt đỏ nho nhỏ trên cổ của nó. Một cảm giác buồn xâm chiếm tâm trí, khiến tôi ứa nước mắt. Tôi thực sự không muốn nó giống mình. Và hình như, tâm lý của tôi lúc đó chưa được chuẩn bị đầy đủ để làm mẹ với ý nghĩa đầy đủ của nó.

Hai vợ chồng bà Sura ôm một bó hoa to tướng đến đón tôi ở cổng bệnh viện.

Khi tàu vào ga tại tỉnh L., tôi rất lo lắng vì sợ gặp phải người quen. Nhưng mọi chuyện đều suôn sẻ. Tại nhà bà Sura, mọi người trong gia đình đã chuẩn bị mọi thứ cho đứa trẻ. Tôi ngủ lại đó một đêm, cho con bú và hôm sau về ký túc xá của mình. Từ ngày hôm đó, tôi đã trở thành một con người khác. Tôi có hai cuộc sống song song tồn tại. Mặc dù tôi không muốn, nhưng bà Sura đã bí mật đến tận nhà Andrey để thông báo về việc này. Andrey đang học tại trường Điện ảnh trên Matxcova. Bà Sura đã cãi nhau một trận khá căng thẳng với mẹ của Andrey. Sau này bà kể lại rằng, trước khi đi ra khỏi cửa bà đã ném cả sấp tiền vào mặt bà kia và đóng sầm cửa lại. “Tiền của bà thì bà cứ cầm lấy, chúng tôi không cần!” Thời gian sau, trong lúc túng bấn, bà cứ tiếc mãi. Có lần, bà đã lại định đến nhưng nghe nói cả gia đình họ đã chuyển hẳn lên Matxcova sinh sống.

Đùng một cái, Liên Xô tan rã.

Hàng loạt các nhà máy phải đóng cửa. Hợp đồng lao động bị hủy bỏ trước thời hạn. Nhà máy không có tiền mua vé cho chúng tôi về nước. Chúng tôi đúng là bị vất ra đường, sống chết mặc bay, tan tác mỗi người một ngả. Ai có tiền thì mua vé về nước, ai không có thì lên các thành phố lớn đứng bán hàng ngoài chợ. Người ta không cho chúng tôi sống ở trong ký túc xá nữa. Tôi chuyển về ở hẳn với gia đình bà Sura. Lúc này, Thảo chưa đầy một tuổi. Thật là những chuỗi ngày xám xịt và ảm đạm. Hàng ngày, tôi phải đứng năm sáu tiếng liền ngoài trời băng giá để bán hàng. Chiều đến, lê về được đến nhà thì sức đã kiệt, chẳng còn buồn ngó ngàng đến con. Không hiểu sao, tôi lại có ác cảm với con bé, có lẽ tại vì nó giống người cha tệ bạc và người bà vô nhân tâm của nó chăng? Thế rồi, trong một chuyến đi lấy hàng trên Matxcova, tôi gặp và quen anh Trọng ngay tại ga tàu hỏa…

Khi anh Trọng ngỏ lời cưới thì tôi hiểu rằng mình đang đứng giữa một sự lựa chọn đau lòng: hoặc là anh hoặc là con? Tại sao lúc đó tôi không nói thẳng ra là mình đã có con rồi? Tôi không đủ can đảm và tôi sợ mất anh vĩnh viễn. Đã đâm lao thì phải theo lao. Đã chót nói dối thì phải nói dối đến cùng. Từ khi tôi chuyển hẳn về Petersburg ở, thỉnh thoảng tôi mới quay về thành phố L. thăm con, đưa tiền cho bà Sura, rồi lại vội vã quay trở lại. Tình trạng này kéo dài khoảng một năm. Con bé bắt đầu bi bô biết nói. Khi ở xa, tôi lại rất nhớ nó. Tôi cảm thấy rụng rời chân tay khi anh Trọng nói là cưới xong sẽ trở về Việt Nam làm cho một cơ quan ở trong thành phố Nha Trang, nơi có người quen nâng đỡ. Ý nghĩ phải chia tay mãi mãi với con khiến tôi thao thức nhiều đêm không ngủ được, người gầy hẳn đi. Và cái ngày rời khỏi mảnh đất này đã đến gần.

– Em muốn trước khi về nước, xuống Lugansk thăm lại bà chủ nhà em ở có được không?

– Tất nhiên. Hay là anh đi cùng? Anh cũng chỉ còn phải thu xếp một số giấy tờ tốt nghiệp nữa là xong. Đúng đấy, ta nên làm một chuyến du lịch vài thành phố nổi tiếng của Liên bang trước khi tạm biệt.

Tôi giấu anh, viết một bức điện kể  sự việc với bà Sura, van xin bà làm cách nào trong thời gian chúng tôi ở đó, gửi con bé đi nhà trẻ mấy hôm. “Cháu là một người mẹ tồi nhưng bà có hiểu hoàn cảnh của cháu không? Sau này, cháu sẽ nói rõ sự thật với anh ấy, nhưng hiện nay thì chưa đúng lúc”.

Một tuần sau, tôi nhận được một bức điện với dòng chữ: “Cứ an tâm, hãy về đi”.

Bà Sura ra tận ga đón hai chúng tôi. Ngay ở bậc lên xuống của toa tàu, bà bóp mạnh một cái vào tay tôi ra chiều bảo: “Mọi việc đã thu xếp đâu vào đó.” Chúng tôi mang nhiều quà cáp cho hai vợ chồng bà. Trong ba ngày ở đây, có đêm tôi đã định đánh thức anh Trọng dậy và thổ lộ hết sự thật rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng không hiểu sao, tôi lại không có đủ can đảm, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong lòng và lại thiếp đi trong một giấc ngủ mộng mị. Chính một cái tin trên vô tuyến vào buổi chiều hôm trước khi quay trở lại Petersburg đã chặn đứng ý định nói thật với anh về đứa con riêng của tôi. Một người đàn ông đã giết đứa con riêng của vợ vì ghen và ông ta đã tự ra công an đầu thú. Hình ảnh người đàn ông trông rất hiền lành, thậm chí còn nhút nhát diễn lại hành vi giết đứa con riêng của vợ trong gara để xe ô tô cứ ám ảnh tôi mãi. Và chính thời điểm này, tôi biết mình đã có mang. Trước khi ra ga, tôi phải gặp riêng bà Sura ở dưới bếp và yêu cầu bà đón con bé về đây vì đoàn tàu đi Petersburg chạy qua gần nhà bà. Trước đây, mỗi lần tôi quay trở lại Petersburg, bà thường đem con bé ra trước thềm nhà vẫy tiễn.

Trên sân ga, một người mẹ đang bế con trên tay vẫy tiễn đưa chồng. Con bé, chắc cũng trạc tuổi con tôi, cười toe toét trông đáng yêu quá. Bàn tay bé xíu của nó gửi những cái hôn gió về phía đoàn tàu đang tăng dần tốc độ. Tôi cắn răng lại để ghìm tiếng thổn thức trong lòng. Các tòa nhà cao tầng của thành phố đã lùi về phía sau. Chỉ còn năm phút nữa là đoàn tàu chạy qua ngôi nhà của bà Sura. Chỉ năm phút thôi mà tôi có cảm tưởng thời gian như ngừng trôi. Không biết bà Sura có đến đón kịp con bé không? Kia rồi, ngôi nhà mái lợp tôn trắng đã thấp thoáng sau các vòm cây xa xa. Tôi dán mắt vào khung cửa kính, hai tay nắm chặt lấy thanh lan can đến toát mồ hôi lạnh. Mắt tôi đã trông thấy một cái chấm trăng trắng như một bông hoa ở phía trước nhà. Đúng là chiếc áo hoa mới tôi gửi cho nó từ tháng trước. Chỉ còn thiếu chút nữa thì tôi gào lên khi nhìn thấy bà Sura nâng con bé con trên tay. Hình như, đôi môi nó mấp máy mấy tiếng ma ma. Hai cánh tay nhỏ bé của nó vẫy loạn lên như thể muốn níu kéo lại cả đoàn tàu đang ầm ầm chạy qua, níu kéo lại người mẹ khốn nạn của nó. Đây là những giây phút không thể quên của cuộc đời tôi. Đến giờ phút này, đã hơn ba chục năm trôi qua, song trong ký ức tôi hình ảnh hai bà cháu đứng trên thềm nhà vẫy theo đoàn tàu vẫn hiện ra rõ nét như mới hôm qua vậy.

Con người ta sống với những dự đoán phấp phỏng về tương lai của chính bản thân mình. Khi thằng con trai đầu lên ba tuổi, tôi cùng với một chị bạn nữa lặn lội lên tận Đà Lạt để xem bói.

“Cô sẽ bị đau khổ vì đứa con đầu lòng”.

Đó cũng là một trong những lý do khiến tôi dứt bỏ ý định quay trở lại Ucraina tìm con. Bản năng tự vệ đôi khi đẩy con người ta đến những quyết định và hành động mù quáng không thể hiểu nổi. Nhưng tôi ngấm một điều rằng, đã là định mệnh rồi, cuộc đời đã được lập trình rồi, thì chạy đâu cho thoát dưới gầm trời này?”.

V.T.H