Ngô Vương: Hồi thứ bảy – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

777

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngô Quyền bận việc quân có khi vài tháng mới trở về trong phủ. Mấy lần sinh hạ, Dương thị đều phải một thân một mình nuôi con. Khi về chịu tang cha chồng, hai công tử Ngô Xương Ngập đã tròn mười tuổi, Ngô Xương Văn tròn tám tuổi. Dương thị cùng các con chịu tang châu mục Ngô Mân theo nghi lễ phong tục Đường Lâm và gia phong họ Ngô rất cẩn thận, trong họ ngoài làng ai cũng kính yêu. 

HỒI THỨ BẢY

Châu Đường Lâm, Dương thị thay chồng nuôi con báo biếu
Thành Đại La, Ngô tướng nhận mệnh trở về Ái Châu

Sau khi yên ổn công việc trong thành Đại La, được các hào trưởng, châu mục suy tôn giữ ngôi vị cao nhất ở An Nam, Dương Đình Nghệ luôn mấy tháng trời thân đi các vùng Phong Châu, Đường Lâm, Hồng Châu, Đằng Châu, Cổ Loa, Siêu Loại, Chu Diên, Màn Trù, Cổ Pháp… vừa là để xem phong tục tập quán của các tộc dân vừa là cảm ân đức các vị hào trưởng, châu mục đã sát cánh cùng binh tướng Ái Châu, Hoan Châu, Phong Châu đánh đuổi giặc Bắc. Đi tới đâu, Dương công cũng được các châu mục, hào trưởng cùng các vị bô lão nghênh đón rất trang nghiêm, định rõ ngôi vị của Dương công, bày biện tiếp đón nghi lễ lắm. Khi về vùng đất Phong Châu, Kiều công còn ân cần gửi gắm công tử trưởng Kiều Công Tiễn xin được làm con nuôi Dương công. Dương Đình Nghệ mừng lắm, nhận vị tướng trẻ công tử trưởng họ Kiều làm giả tử, lại cho vỗ về phong thưởng Kiều Công Tiễn làm tướng quân cho theo sát bên mình.

Khi đang trên đường đến châu Đường Lâm, Dương công nhận tin châu mục Ngô Mân vừa cưỡi hạc quy tiên hưởng thọ bảy mươi bảy tuổi. Dương Đình Nghệ vội cho Ngô Quyền về trước chịu tang rồi thân chinh cùng các quan văn võ tới Đường Lâm dự tang Ngô châu mục. Đến Đường Lâm mới thấy Ngô Mân mấy chục năm chăm dân, mở đất, mọi nghề nông tang thổ mộc rất chuyên cần, nhà nhà đều cảm ân đức họ Ngô để tang nửa tuần trăng mới thôi.

Nguyên họ Ngô ở Đường Lâm cùng với dòng họ Phùng ở nơi đây là hai dòng họ lớn. Ngày trước, khi Bố Cái Đại vương Phùng Hưng cùng các tướng hưng binh đánh đuổi giặc Đường, họ Ngô là người hưởng ứng đầu tiên. Tướng quân Ngô Chất từng theo Phùng Hưng thống suất đội chiến thuyền đưa quân lên Bạch Hạc tiến chiếm Phong Châu mở rộng địa bàn khởi nghĩa. Họ Phùng lại sử dụng mưu kế của người châu Đường Lâm là Đỗ Anh Hàn cho người thân tín đi khắp các vùng chiêu mộ hào kiệt, nhất là lập đội thủy binh. Tướng quân Ngô Chất vâng mệnh Phùng Hưng không quản đường xa ngàn dặm đi khắp các vùng tìm người hiền sĩ về cùng với họ Phùng mưu việc lớn. Theo kế các tướng, Phùng Hưng đêm ngày cho đóng chiến thuyền, tích trữ lương thảo, rèn đúc khí giới ngay ở vùng sông Tích Giang bên kia quả đồi Cấm. Khi binh tướng ngày càng mạnh, An Nam đô hộ sứ Cao Chính Bình mấy lần xuất binh ra ngoài thành giao chiến đều thất lợi phải rút vào trong thành Tống Bình. Ngô Chất cùng các tướng Bồ Phá Cần, Đỗ Anh Hàn vâng mệnh chủ tướng Phùng Hưng đưa chiến thuyền xuống sông Cái áp sát thành Tống Bình khiến quan quân nhà Đường trong thành như cá nằm trên thớt. Luôn mấy tháng sau cạn lương hết binh, An Nam đô hộ sứ Cao Chính Bình kinh sợ ốm chết trong thành, Phùng Hưng cùng ba quân vào thành yên dân lập nước, phong thưởng binh tướng rất hậu, lại miễn thuế khóa cho muôn dân đến ba năm. Tướng quân Ngô Chất được giao vào vùng Hoan – Ái cùng với các tướng Đoàn Phương, Đặng Siêu mở đất về phương Nam. Từ đó, hai họ Ngô – Phùng thường chia các tráng đinh vừa ở Đường Lâm vừa đưa vào vùng Ái Châu, Hoan Châu đã hàng chục đời như thế. Hai họ kết giao thông hiếu nối đời không dứt. Ngay như phu nhân châu mục Đường Lâm Ngô Mân cũng mang dòng máu họ Phùng được Ngô Mân vô cùng tôn quý. Theo lời khuyên của các vị lão trượng đất Đường Lâm, châu mục Ngô Mân cùng với muôn dân lập đền thờ đức vua Bố Cái Đại vương Phùng Hưng ngay sát chân đồi Cấm châu Đường Lâm quanh năm khói hương không dứt. Cũng kể từ đó, dân chúng khắp vùng Đường Lâm mọi nghề ổn định, mưa thuận gió hòa, trong thôn ngoài ấp các vùng thượng du, hạ bạn làm ăn đều phát đạt lắm. Dân chúng ai cũng cảm ân đức của Bố Cái Đại vương vừa thuần phục nghe theo châu mục Ngô Mân.

Sau ba ngày lưu lại đất Đường Lâm, Dương Đình Nghệ cùng văn võ về Đại La thành, lại cho Ngô Quyền ở lại chịu tang cha. Trên đường trở về thành, sau nhiều đắn đo, chủ bạ Đoàn Thành, người đứng đầu các quan văn, khi ở với riêng mình Dương công bẩm báo:

– Chúa công! Bây giờ ngài đã giữ ngôi nước, lo việc trị nhậm muôn dân, mọi việc phải hết sức cẩn thận mới được. Vừa rồi, họ Kiều đất Phong Châu có ý muốn nhận chúa công làm cha nuôi lẽ ra ngài nên từ chối mới phải. Trước là đại công tử Dương Tam Kha đang trấn nhậm La thành vốn không ưa gì Kiều Công Tiễn. Sau nữa tướng quân Ngô Quyền con rể của ngài đã từ lâu coi chúa công như cha đẻ, nay làm vậy khiến Ngô tướng quân thêm khó nghĩ. Người Phong Châu vốn thành cao hào vững, suy tính sâu xa. Tuy bề ngoài họ Kiều phục tùng đại cuộc nhưng bên trong hẳn có ý chờ thời. Mong chúa công minh xét.

Dương Đình Nghệ vân vi mãi rồi nói:

– Họ Kiều đã có ý muốn nhận ta đâu nỡ chối từ. Từ nay ngươi hãy để ý giúp ta là được. Thực tâm ta muốn thu nhận Phạm Bạch Hổ làm nghĩa tử song Phạm Lệnh Công quá giữ gìn không chịu ta chẳng biết làm sao. Tam Kha hãy còn vụng lắm, phải rèn cặp nhiều mới được. Còn về Ngô Quyền ngươi chớ lo. Quyền nhi ở với ta từ tấm bé, ta lạ gì nết nó. Ngô Quyền sau này là anh hùng trong các anh hùng đấy. Ngươi hãy chờ xem lời nói của ta.

Chủ bạ Đoàn Thành vâng dạ song từ đó luôn để ý tới Kiều Công Tiễn.

*

Đây nói tiếp chuyện Ngô Quyền chịu tang cha ở Đường Lâm.

Ngô tướng quân sau công cuộc giúp Dương Đình Nghệ đánh đuổi giặc Hán lấy lại La thành uy danh vang dội khắp các vùng. Khi châu mục Ngô Mân mất, em ruột Ngô Mân là Ngô Tôn Tư khi đó đang làm hào trưởng đất Hải Triều, một cửa biển trọng yếu thuộc Hồng Châu vội cùng gia quyến về chịu tang huynh trưởng. Ngô Tôn Tư hơn hai mươi năm kiêm quản vùng cửa biển Hải Triều chú trọng giao thương buôn bán khắp nơi lại có đội thương thuyền trăm chiếc đi khắp các vùng sông biển ở Hồng Châu gia nhân có đến hàng nghìn người năm nào cũng đưa mười mấy thuyền sản vật vùng biển về biếu huynh trưởng được Ngô Mân yêu lắm. Hai anh em họ Ngô người làm chủ đất Đường Lâm người làm chủ cửa biển Hải Triều đều được muôn dân quý trọng mọi việc đều hỏi đến. Họ Ngô ăn ở rộng lượng lại biết lễ nghĩa với các bậc lão trượng trong vùng nên ân đức ngày càng dày vững.

Sau khi chu tất việc tang lễ, xây đắp lăng mộ, yên ổn họ hàng, trước hôm Ngô Tam Tư trở lại Hải Triều, Ngô Quyền mời chú đến trước bài vị châu mục Ngô Mân đàm đạo.

Ngô Quyền nhìn bài vị cha rơi hai dòng lệ bái lạy chú rồi nói:

– Bẩm chú! Cha Quyền nhi chẳng may cưỡi hạc quy tiên. Cổ nhân có dạy, mất cha còn chú, mai chú lên đường trở lại Hải Triều có điều gì chỉ dạy Quyền nhi xin vâng lời.

Ngô Tam Tư vội đỡ Ngô Quyền dậy nghiêm trang nói:

– Quyền nhi! Trong nhà là tình chú cháu, những điều gì thuộc gia pháp tổ tông cháu là người hiếu nghĩa chắc đã hiểu rõ ta thấy không có gì đáng ngại. Huynh trưởng của ta, một đời đức cao vọng trọng, yêu dân như con, các bậc anh hùng trong thiên hạ đều nể trọng. Nay huynh trưởng chẳng may mất đi, ta lại bất tài chỉ trông mong vào Quyền nhi đây. Trong nhà là lễ chú cháu. Ra ngoài cháu là đại tướng quân uy danh càng phải biết giữ mình. Họ Ngô ta cả đời trung trinh với nước, chưa bao giờ ăn ở hai lòng. Ta về Hồng Châu luôn chờ đợi tin tốt lành của Quyền nhi vậy.

Ngô Quyền cảm khái nói:

– Bẩm chú! Quyền nhi xin được vâng lời. Có một điều Quyền nhi xin được thưa với chú. An Nam ta tuy là tạm yên ổn, song Hán triều không dễ gì từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta đâu. Theo thiển ý của Quyền nhi, qua mấy trận giao phong với quân Hán, người An Nam ta vốn giỏi thuỷ chiến, nay vùng Hải Triều thuộc Hồng Châu là nơi hiểm yếu, sông biển giao nhau. Nay chú về đó hãy mở rộng đội thương thuyền cho hùng mạnh, thông thạo các luồng lạch cửa sông cửa biển, trước là giúp đỡ muôn dân vận chuyển muối gạo giao thương, sau này nếu Hán triều xuất binh xuống phương Nam ta tất có chỗ hữu dụng.

Ngô Tôn Tư nhìn đứa cháu yêu nay đã là một đại tướng quân vang danh khắp chốn cảm động nói:

– Quyền nhi! Cháu khi nào cũng suy nghĩ cho dân cho nước quả thực không hổ danh dòng họ Ngô chúng ta. Ta trước vâng lời huynh trưởng đã cho lập đội thương thuyền hơn trăm chiếc thành thạo nơi cửa sông cửa biển Hải Triều. Huynh trưởng còn cho các tráng đinh họ Phùng, họ Ngô xuống mạn biển hưng dân mở đất nay đã trù phú lắm. Nay huynh trưởng tuổi cao theo về tiên tổ, ý nguyện của đại huynh ta lẽ nào dám không tuân theo. Cháu hãy yên tâm giúp rập cho Dương công. Chú xin nghe theo lời cháu.

Ngô Tôn Tư đi rồi, Ngô Quyền còn ngồi mãi một mình trước bài vị châu mục Ngô Mân tận đến khi Dương thị vào nhắc mới đi vào gian nhà chính sai bảo đám gia nhân gia tướng cắt đặt mọi việc trong châu.

Dương thị vốn là con gái yêu của Dương Đình Nghệ được gả cho Ngô Quyền mười năm trước. Dương thị tuy là phận nữ nhi nhưng từ nhỏ đã được Dương công cho thầy dạy cả văn lẫn võ. Các tùy tướng dưới trướng của Dương Đình Nghệ không ít người thầm yêu trộm nhớ Dương thị song Dương thị chẳng ưng ai. Khi ấy Ngô Quyền được Ngô Mân cử vào Ái Châu theo luyện voi chiến. Họ Ngô và họ Dương vốn giao hào với nhau từ nhiều đời trước. Dương Đình Nghệ vẫn thỉnh thoảng gửi tặng vài thớt voi cho Ngô Mân và luôn kính Ngô Mân là bậc huynh trưởng. Khi thấy Ngô Quyền tướng mạo đường bệ, phong thái hơn người, Dương Đình Nghệ yêu lắm muốn gả con gái cho nhưng các tướng đều không phục, cho là phải tỷ thí võ nghệ cung kiếm. Dương công nghe theo, cho lập đài tỷ võ, đích thân làm chủ khảo, lại cho người ra tận Đằng Châu mời Kiều Lệnh Công cùng chủ trì chấm giải. Sau một tuần thi đấu quyết liệt, tướng nào cũng mang hết sở trường của mình mà so với Ngô Quyền đều thấp hơn một bậc. Đó là họ Ngô còn có ý nhún nhường không đả thương bất kỳ võ sĩ nào. Kể từ ấy, chẳng những Dương thị hết sức mê mẩn Ngô Quyền mà đám tùy tướng của Dương công đều một lòng thần phục họ Ngô.

Buổi sinh thời, châu mục Ngô Mân yêu quý Dương Đình Nghệ lắm. Dẫu cách xa vài trăm dặm, hai họ Ngô – Dương vẫn thường xuyên đi lại rất khăng khít. Cùng là nha tướng của mấy đời Khúc chúa, các châu mục Đường Lâm, Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu suốt mấy chục năm chịu ơn họ Khúc mà hết lòng kiêm quản các vùng đất được phân phong. Họ Khúc giao quyền cho các châu mục tự chủ cũng là kế sách yên ổn lâu dài các vùng đất ở An Nam. Ngày trước, nhà Đường cai trị An Nam đã quá tập trung quyền lực về kinh thành Tống Bình khiến các châu quận anh hùng hào kiệt nối nhau nổi lên không dứt. Khi làm chủ Tống Bình, họ Khúc thấy rõ ước nguyện của các châu mục muốn tự chủ trị nhậm đã phân phong định rõ phẩm quyền từng vùng đất khiến mọi người yên ổn theo về. Âu cũng là sự sáng suốt, quyền biến tùy thời của họ Khúc vậy.

Trong khoảng thời gian đó, quả là trời không phụ lòng người, các vị hào trưởng, châu mục các vùng đất Phong Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Hồng Châu, Đằng Châu, Đường Lâm đều là những bậc anh hùng hào kiệt trượng nghĩa thương dân cả nên bên trong tuy tự mình kiêm quản mà bên ngoài vẫn biểu thị tấm lòng thành với Khúc chúa. Hàng năm, châu mục các châu đều đưa sản vật, đồ quý, thợ giỏi cúng tiến về thành Đại La cho họ Khúc chưa bao giờ sao nhãng. Lại hễ có việc gì phải trưng tập binh lính, phu phen, của cải, sắt muối về Đại La, các châu mục đều tận lực không dám chậm trễ. Mối quan hệ giữa Đại La thành và các châu quận tưởng là lỏng lẻo mà vô cùng khăng khít vậy.

Đối với châu mục Ngô Mân luôn lấy việc ban ân đức cho dân làm đầu nên châu Đường Lâm nhà nhà đều chăm chỉ làm ăn, hàng xóm láng giềng trên dưới giúp rập lẫn nhau thực bụng lắm. Những là cây trồng vật nuôi đều san sẻ giúp nhau không hề tính toán, các nghề canh cửi, thổ mộc, rèn đúc đều cùng bảo ban nhau mà tinh tiến không dứt. Ngô Mân lại cho lập các đội thương thuyền nơi vùng Tích Giang đem sản vật theo dòng Thao Giang ngược đi khắp các vùng thượng du buôn bán, trao đổi khiến dân chúng ngày càng giàu có, thóc lúa chật bồ, châu ngựa đầy sân. Họ Ngô lại chủ trương cho dân được tự cường, các nhà giàu có thu thập gia đinh tùy ý khiến vùng đất Đường Lâm người tứ xứ theo về ngày càng đông đúc, trên bến dưới thuyền tấp nập làm ăn. Bản thân Ngô châu mục tuy tuổi cao nhưng vẫn tinh tường mọi việc còn để cho Ngô Quyền vào tận Ái Châu rèn nghiệp văn võ với Dương công. Ngô Quyền vốn từ bé ham mê cả hai đường văn võ chỉ muốn tìm người giỏi để học. Ái Châu đất rộng người đông, công việc bộn bề. Dương công cũng may nhờ rể quý Ngô Quyền trông coi mọi việc trước sau rất nghiêm minh nên mới được đôi phần thong thả.

Ngô Quyền bận việc quân có khi vài tháng mới trở về trong phủ. Mấy lần sinh hạ, Dương thị đều phải một thân một mình nuôi con. Khi về chịu tang cha chồng, hai công tử Ngô Xương Ngập đã tròn mười tuổi, Ngô Xương Văn tròn tám tuổi. Dương thị cùng các con chịu tang châu mục Ngô Mân theo nghi lễ phong tục Đường Lâm và gia phong họ Ngô rất cẩn thận, trong họ ngoài làng ai cũng kính yêu. Dương thị luôn mấy tháng ròng khóc than cúng bái hương hoa không dứt khiến Ngô Quyền cùng muôn dân châu Đường Lâm vô cùng cảm kích.

Khi tròn một năm chịu tang, Ngô Quyền bảo với Dương thị:

– Ta nay có lệnh của chúa công triệu về thành Đại La coi sóc việc quân. Phu nhân có định theo ta về kinh thành hay ở lại Đường Lâm cùng các con là do tùy phu nhân định liệu.

Ngô phu nhân chấm chấm nước mắt rồi nghiêm trang nói với Ngô tướng quân:

– Thiếp vốn được gả về làm dâu họ Ngô mà mười năm mới đến được quê chồng, quả là có lỗi lớn. Nay tướng công vì việc nước phải đến kinh thành chứ thiếp là phận dâu con phải phụng dưỡng mẹ cha mới tròn phận sự. Nay cha mẹ đều đã mất thiếp chưa phụng dưỡng được ngày nào quả tội càng thêm tội. Xin tướng công cho mẹ con thiếp ở lại Đường Lâm hương khói tổ tiên để thiếp chuộc lỗi mới được.

Ngô tướng quân cảm động nói:

– Ta vẫn biết phu nhân là người hiếu nghĩa, chẳng qua là việc quân việc nước lại giặc giã liên miên đến nỗi lấy chồng mười năm mới đến được quê chồng, ta không có lỗi hay sao. Nay châu Đường Lâm vốn là đất bản địa của họ Ngô nhà ta. Mẹ ta vốn họ Phùng dòng dõi Bố Cái Đại vương Phùng Hưng từng đánh đuổi giặc Đường dựng nền độc lập cho An Nam ta không phải tầm thường. Ở vùng Đường Lâm này, hai họ Ngô – Phùng trong là cật ruột dòng tộc ngoài là phên giậu của muôn dân ai ai cũng đều kính trọng. Nay phu nhân thuận cùng hai con trông nom việc châu quận lại lo hương khói tổ tiên cho cha mẹ ta còn phúc đức gì bằng.

Dương phu nhân cảm động mãi không thôi.

Phu nhân sai gia nhân chuẩn bị đầy đủ để Ngô tướng quân cùng các tuỳ tướng kịp lên đường đến Đại La thành, một mặt sắp đặt các việc trong châu Đường Lâm rất quy củ. Phu nhân còn cho mời bảy vị bô lão đức cao vọng trọng trong hai họ Ngô – Phùng cùng các thầy giỏi văn võ tới dạy cho hai công tử Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn. Mọi việc ở châu Đường Lâm, Dương phu nhân đều hỏi đến rất cẩn thận. Các đầu mục, hương thân phụ lão quanh vùng vốn đã cảm hóa ân đức họ Ngô nay càng thêm yêu kính Dương phu nhân.

Châu Đường Lâm xưa kia vốn là vùng đất phát vương của họ Phùng. Bố Cái Đại vương Phùng Hưng được người cha là Phùng Hạp Khanh vốn là một danh tướng của Mai Thúc Loan từng khuông phò họ Mai đánh đuổi giặc Đường lên ngôi vua xưng là Mai Hắc Đế tại Ái Châu. Khi nhà Đường xuất mười vạn binh cử đại tướng Quang Sở Khách tiến xuống đánh dẹp, họ Phùng đã cùng các tướng hết sức cự giặc song thành Vạn An thất thủ, Mai Thiếu đế trúng tên độc qua đời, Phùng Hạp Khanh nén đau thương đưa binh tướng bản bộ về châu Đường Lâm mở đất hưng dân.

Sau này, nối chí lớn của cha, Phùng Hưng cùng các tướng nổi lên đánh đuổi quân Đường trong khoảng hơn hai mươi năm đã thắng lợi, tiến chiếm Đại La thành lên ngôi quân trưởng được muôn dân ủng hộ. Sau này, họ Phùng suy vi, nhà Đường lại đưa binh tướng sang đô hộ An Nam. Dẫu thời gian biến đổi, ở châu Đường Lâm, họ Ngô lên kiêm quản vẫn luôn nhớ tới ơn đức Bố Cái Đại vương Phùng Hưng nối đời thờ cúng hương hoa. Châu mục Ngô Mân cũng là rể họ Phùng. Ngô Mân lấy Phùng Thị Tịnh Phong sinh hạ Ngô Quyền có tướng lạ, người trong châu ai cũng cho rằng Ngô Quyền sau này sẽ là bậc đại trí đại dũng, sớm lập huân công.

Thuở nhỏ, châu mục Ngô Mân và Phùng Thị Tịnh Phong dạy con rất nghiêm, cho người đi mời các thầy giỏi văn võ trong vùng đêm ngày rèn cặp. Ngô Quyền dần lớn lên, năm mười ba tuổi đã mồ côi mẹ. Mấy năm sau, châu mục Ngô Mân gửi Ngô Quyền vào Ái Châu vừa để học thêm cách thuần dưỡng voi rừng và huấn luyện tượng binh cũng là thể hiện mối thâm giao với Dương Đình Nghệ. Ngô Mân từ buổi Phùng thị dời bỏ cõi trần chỉ dốc tâm vào việc mở đất an dân khiến châu Đường Lâm ngày càng trù mật. Đội voi trận Dương Đình Nghệ gửi tặng họ Ngô theo đường thượng đạo tới Đường Lâm càng tăng thêm uy vũ của vùng đất nhiều đồi gò, rừng rậm. Vốn con nhà võ tướng, Dương thị không hổ danh là trưởng nữ của châu mục Dương Đình Nghệ nay đã xưng Tiết độ sứ kiêm quản An Nam điều khiển mọi việc trong châu Đường Lâm rất quy củ. Họ Dương quyết chí thay chồng báo hiếu tổ tiên cha mẹ một mặt nuôi dạy hai con Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn giữ vững nền nếp gia phong.

Âu cũng là đức lớn của họ Ngô ở Đường Lâm vậy.

*

Ngô Quyền cùng các tùy tướng ruổi ngựa đến được thành Đại La cũng là lúc trời đã sẩm chiều. Không dám chậm trễ, Ngô tướng quân vội vào nội phủ vấn an nhạc phụ Dương Đình Nghệ.

Nửa năm trước, theo sự bàn bạc định kế của hai ban văn võ và châu mục Phong Châu, Đằng Châu, Hồng Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Dương Đình Nghệ đã tuyên xưng là Tiết độ sứ kiêm quản các châu thuộc An Nam, cho người bố cáo các nơi, lại cho tặng lụa quý cho các vị bô lão trên bảy mươi tuổi trên toàn cõi. Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ cai quản các việc rất nghiêm. Ngài cho mở các làng nghề đúc đồng, dệt vải, luyện sắt, nung đốt gạch, đá, gốm, sành, giao thương gạo, muối, sản vật các vùng. Họ Dương còn cho lập đội thương thuyền lớn có thể đi các vùng cửa sông cửa biển giao thương hàng hóa rất thuận tiện. Ở các châu, Tiết độ sứ cho các châu mục toàn quyền kiêm quản, chú trọng việc khai mở phong tục, khuyến khích lễ hội, cho phép xây dựng các đình đền chùa miếu thờ tự các bậc danh tướng danh thần. Ngài còn đích thân trùng tu chùa Trấn Quốc, cho mời các cao tăng tới giảng đạo khiến muôn dân trong cõi ngoài thành và kinh kỳ được bốn mùa yên vui canh cửi buôn bán làm ăn. Dân chúng trong ngoài thành Đại La cảm ơn ân đức của Tiết độ sứ họ Dương mà chí thú làm ăn, nạn trộm cắp tuyệt không xảy ra dẫu là chốn kinh thành hay nơi thôn cùng xóm vắng. Có những buổi, đích thân Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ dẫn theo quan chủ bạ Đoàn Thành tới chùa Trấn Quốc nghe giảng kinh cùng với các cao tăng. Khi đàm đạo, Dương công thong thả nói:

– Thưa các vị cao tăng! Tại hạ nghe nói những buổi đầu dựng nước Vạn Xuân gây nền độc lập, đức vua Lý Nam Đế đã sai lão tướng Phạm Tu cùng các bậc trưởng lão xây chùa Trấn Quốc là để nối nền quốc thống từ triều đại các vua Hùng cũng là để chấm dứt họa chiến tranh cho muôn dân yên ổn thái bình. Nay ta tài sơ đức mỏng lại được các tướng suy tôn làm chủ ngôi nước trong lòng chỉ nghĩ tới muôn dân nay xin được các vị cao tăng chỉ giáo cho.

Các vị cao tăng trong chùa thấy Dương Tiết độ sứ tuy ở ngôi cao mà lời nói vẫn vô cùng khiêm nhượng trong bụng thầm mừng. Một vị cao tăng tiến ra nói:

– Thí chủ quả thực đã quá khiêm nhường rồi. Bậc chủ ngôi nước xưa nay đều có hùng tâm tráng trí trong công cuộc trị nước an dân. Dẫu ước nguyện là như thế song việc thực hành không phải khi nào cũng thuận theo được đâu. Nay thí chủ trước đã cùng binh tướng đánh đuổi giặc kia về nước sau lại sớm nghĩ đến những cơ cực của muôn dân mà sửa mình thật là phúc cho nước vậy.

Dương Đình Nghệ và quan chủ bạ Đoàn Thành nghe vị cao tăng giảng giải trong bụng càng khâm phục mà tự răn mình. Xưa nay, việc hiểu thiên hạ dẫu muôn vàn khó khăn nhưng còn chưa khó bằng việc hiểu chính bản thân mình chạnh nghĩ những người như Phạm công, Kiều công, huynh trưởng Ngô Mân luôn lấy chữ đức làm đầu mới là người tự hiểu bản thân mình vậy. Đoàn Thành thấy Dương công quan hoài ngẫm ngợi chỉ im lặng cùng các cao tăng thưởng trà vừa nhìn ra khoảng sân chùa Trấn Quốc lãng đãng khói sương phía trước.

Đang miên man hồi nhớ về buổi đàm đạo với các vị cao tăng nơi chùa Trấn Quốc, Dương Đình Nghệ nghe tin Ngô Quyền vừa đến, bèn cho tuỳ tướng ra gọi vào. Dương công từ buổi chủ trì Đại La thành, thần sắc ngày càng vượng, tuy mái đầu bạc đến quá nửa song cặp mắt vẫn rất tinh anh đang cùng chủ bạ Đoàn Thành nghị sự.

Ngô Quyền bước vào tiến tới thi lễ:

– Mạt tướng Ngô Quyền phụng lệnh về thành kính chúc nhạc phụ an khang, xin chúc mừng Đoàn huynh nhậm chức chưởng bạ ngày càng tinh tiến giúp rập nhạc gia chủ trì việc nước.

Dương Đình Nghệ tươi cười nói:

– Quyền nhi! Đây là chỗ trong nhà con bất tất phải thủ lễ. Ta đang bàn với Đoàn tiên sinh đây một việc. Vừa lúc con về kịp mong sớm cho biết chủ kiến của mình. Tiện thể tối nay cùng ta và Đoàn tiên sinh dự tiệc.

Đoàn Thành phấn chấn nói:

– Ngô tướng quân một năm chịu tang nay trở về tướng phủ quả là đúng lúc. Ta cũng vừa cùng các quan văn biên soạn xong cuốn giản sử về trị nhậm của An Nam ta từ ngày Hùng Vương lập nước sẽ chuyển cho tướng quân một bản để kíp rèn dạy binh tướng ta biết sự hào hùng của các bậc vua chúa tiên thánh. Tiện thể tướng quân bổ cứu thêm phần về Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và các hào trưởng họ Ngô ở châu Đường Lâm giúp ta. Nay chúa công trị nước tất phải mở mang việc học cùng với sắp đặt việc binh. Về lễ nghĩa học hành, một năm qua ta cùng các quan đã dâng lên chúa công chế định đã được ân chuẩn còn như sắp đặt việc binh chúa công đang đợi Ngô tướng quân đấy.

Ngô Quyền thấy Đoàn Thành nói năng nghiêm nghị trước sau đều bàn thẳng vào chỗ cốt yếu của việc trị nước trong lòng rất mừng có được vị đứng đầu quan văn vừa hiểu biết lễ nghĩa vừa chân thành giản dị dốc tâm dốc sức vì muôn dân bèn nói:

– Bẩm nhạc phụ! Thưa Đoàn huynh! Mạt tướng sau buổi chịu tang cha vẫn đêm ngày mong ngóng sớm về La thành phục mệnh. Để nhạc phụ và hai ban văn võ phải khổ cực buổi đầu dựng nghiệp Ngô Quyền đây quả là có lỗi. Song nghe nhạc phụ và Đoàn huynh định việc nước trong dạ rất mừng. Trên có nhạc phụ anh minh, dưới hai ban văn võ chuyên cần tận tâm tận lực khiến muôn dân các châu mục, sách mường, miền biển miền đồi thảy đều yên ổn làm ăn, trong thành ngoài nội đều ấm no, quả là phúc dày của An Nam ta. Còn như việc sắp đặt binh tướng, Ngô Quyền đây xin nhất nhất tuân theo ý của nhạc phụ.

Dương Đình Nghệ ân cần nói:

– Ta là nhạc phụ của con nhưng còn là tiểu đệ của huynh trưởng Ngô Mân. Nay Ngô huynh cưỡi hạc quy tiên ta càng phải có trách nhiệm lâu dài của mình. Việc Dương thị ở lại Đường Lâm hương khói Ngô huynh cũng là hợp lẽ trời. Đường Lâm là vùng thủ hiểm, xưa nay từng phát tích đế vương, việc các cháu ta được phụ lão Đường Lâm rèn cặp cũng là thuận theo đạo lý của Ngô gia. Ngày trước, nếu không bận việc binh lương, ta đã đích thân đem các cháu về giao cho Ngô huynh rồi. Nay ta muốn bàn trước với con một việc. Ngày mai trên điện, ta sẽ quyết định cử con vào thay ta trị nhậm Ái Châu. Đất Hoan Châu trước đã giao cho Đinh Công Trứ cai quản ta rất yên tâm. Ái Châu là vùng căn bản của Dương gia ta, nguồn binh lương quan trọng bậc nhất để ta có thể yên ổn ở La thành mà phân phong cai quản các vùng đất khác. Khi trước bàn với Đoàn tiên sinh đây, định để Tam Kha vào đó trấn thủ nhưng tính khí của Tam Kha còn hay nôn nóng nên ta đã cử nó cai quản thuỷ binh ở Giang Biên rồi. Không biết ý con thế nào?

Ngô Quyền khảng khái đáp:

– Nhạc phụ đã tin dùng con xin vâng mệnh! Việc quản hạt ở Ái Châu con quyết vì nhạc phụ và bách tính không dám lơ là. Việc thống suất thuỷ quân giao cho Dương hiền đệ cũng rất đúng. Tam Kha tuy tính tình nóng nảy nhưng có tài thao lược lại biết yêu sĩ tốt, để đệ ấy nắm thuỷ binh là kế sách lâu dài. Qua mấy trận ác chiến với quân Hán, nếu không có thuỷ binh của Đằng Châu, tình hình còn chưa biết ra sao. Vừa rồi, khi tiễn hào trưởng Ngô Tam Tư về cửa biển Hải Triều, con đã dặn dò thúc phụ phải xây dựng đội thương thuyền cho hùng mạnh, vừa là để giao thương vừa phòng khi Hán triều động binh xuống đất ta. Không biết tướng Phạm Bạch Hổ và Kiều Công Tiễn nhạc phụ đã sắp đặt ra sao rồi?

Dương Đình Nghệ nhìn Ngô Quyền thong thả nói:

– Phạm tướng quân mới vừa tháng trước xin về Đằng Châu phụng dưỡng Phạm công tuổi cao, ta đã thuận cho. Còn Kiều Công Tiễn, ngày ta lên Phong Châu nể mặt Kiều công đã nhận Hãn làm con nuôi gia phong làm tướng thống suất binh mã bảo vệ thành Đại La. Việc này không biết ý Quyền nhi thế nào?

– Việc điều động phân phong các tướng cứ xin theo ý nhạc phụ. Có Đoàn huynh ở bên cạnh, con cũng đỡ lo lắng. Việc binh xưa nay chọn tướng giao quyền giữ thành phải cẩn thận. Các châu mục hiện nay đều có binh quyền trong tay, bên ngoài thế nước tuy là nổi lên song bên trong cũng ẩn chứa nhiều điều khó lường. Mai này mạt tướng vâng mệnh trở về Ái Châu, mong Đoàn huynh hãy hết sức giúp rập nhạc phụ mới được.

Dương Đình Nghệ trầm ngâm nói:

– Ta thân làm chủ thực bụng tin dùng các tướng không có chỗ nào nghi ngại cũng là mong mọi sự yên ổn thái bình để muôn dân hưởng phúc. Nay Quyền nhi về Ái Châu hãy cùng với Đinh Công Trứ ở Hoan Châu kết thành một khối, mở đất chăm dân, dự trữ lương thảo, voi ngựa cho đầy đủ. Ái Châu, Hoan Châu càng hùng mạnh, cục diện An Nam mới vững vàng. Ngươi hãy nhớ cho.

Ngô Quyền lạy tạ lui ra.

*

Trước hôm lên đường trở lại Ái Châu, Ngô Quyền xin với Dương Đình Nghệ cho xuống thuỷ trại Giang Biên gặp gỡ Dương Tam Kha. Trên chiếc soái thuyền lớn đậu trên mặt sông mùa nước lên, Dương Tam Kha bận giáp phục ngắn đang cùng các tướng vây quanh chiếc sa bàn đắp bằng đất sét trắng chỉ trỏ các luồng lạch bỗng có tin Ngô Quyền ghé thăm, Dương Tam Kha vội rời sa bàn bước lên mặt thuyền cũng là lúc họ Ngô bước xuống thuyền vui vẻ chúc mừng:

– Chúc mừng hiền đệ soái lĩnh thuỷ quân! Ngày mai ta trở về Ái Châu ghé qua thăm hiền đệ cũng là xem đệ biên chế thuỷ quân tiện sau này ta về dùng vào việc xây dựng thuỷ trại ở Ái Châu.

– Ngô huynh thứ lỗi. Hôm trước đệ phải ở lại La thành không về Đường Lâm chịu tang cùng Ngô huynh được. Nay Ngô huynh lại thân hành vào Ái Châu gánh vác trọng trách cùng Đinh Công Trứ ở Hoan Châu cũng là tạo thế mạnh để yên ổn đại cục. Tiểu đệ được phụ thân giao thuỷ quân cho cũng còn nhiều bỡ ngỡ lắm. May nhờ hôm trước tướng quân Phạm Bạch Hổ đã chỉ bảo cho nhiều mới bước đầu quen với thuỷ binh. Xét về cầm quân thuỷ bộ Ngô huynh mới là bậc tướng tài. Phạm Bạch Hổ luôn khen huynh lắm. Phạm huynh về Đằng Châu có dặn rằng khi nào có việc gấp Ngô huynh cứ cho người sai khiến họ Phạm sẵn sàng nhận lệnh. Phạm Bạch Hổ và tướng Kiều Công Tiễn hình như có chỗ không đồng thuận Phạm huynh mới xin trở lại Đằng Châu.

Ngô Quyền nắm tay Dương Tam Kha bước về phía mũi thuyền khi chỉ có hai người mới thong thả nói:

– Chúa công cho lập thuỷ binh là có ý muốn yên ổn lâu dài cũng là muốn Dương hiền đệ đây phải trở thành tướng giỏi trong chốn ba quân. Chúa công lại cho ta vào Ái Châu chuẩn bị binh lương voi ngựa cũng là nhìn xa trông rộng vậy. Giặc Bắc xưa nay cậy ngựa khỏe giáo dài ta phải lấy voi chiến thuỷ binh mới có thể dễ bề đánh đuổi chúng. Giao thuỷ quân cho đệ tức là trông cậy vào cái lẽ sống còn trị nhậm của người An Nam ta đấy. Còn về Kiều Công Tiễn ta đã dặn dò quan chủ bạ Đoàn Thành kỹ lưỡng rồi. Nhưng đệ cũng phải hết sức cẩn thận mới được. Phong Châu là vùng đất có khí số đế vương. Ở đời đêm dài lắm mộng chúng ta cứ cẩn thận là hơn.

Dương Tam Kha nghiêm nghị lắng nghe rồi trỏ tay về phía bãi Màn Trù thuộc vùng đất Chu Diên nói:

– Mai kia đệ sẽ chia đôi thuỷ binh đưa một nửa vào đầm Dạ Trạch thao luyện, đồng thời cho đóng thêm doanh trại thuỷ quân. Xưa kia, Dạ Trạch vương Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương đã luyện thuỷ binh ở đó rồi tiến ra Giang Biên chém chết tướng giặc Dương Sằn đại thắng giặc Lương. Thành Đại La dẫu là trung tâm của An Nam nhưng kỳ thực phải chia quân thuỷ bộ đóng trại liên hoàn các mặt mới vững vàng được.

– Đệ nghĩ được như vậy ta mừng lắm. Nên nhớ, không thành trì nào đứng vững được nếu không có được lòng người. Chúa công ta sở dĩ có được ngôi cao chính là do lòng người quy thuận chứ đâu phải cứ thành cao hào vững mà có được đâu. Hiền đệ nên nhớ kỹ để tiện việc rèn binh tướng cũng phải theo đạo lý đó mới được.

Khi Ngô Quyền và đám tuỳ tướng rời khỏi soái thuyền rồi, Dương Tam Kha còn vân vi mãi.

*

Vừa về đến tướng phủ Ái Châu, Ngô Quyền cho người vào Hoan Châu mời châu mục Đinh Công Trứ ra bàn việc. Họ Đinh từ ngày nhận mệnh kiêm quản Hoan Châu đêm ngày dốc sức cùng muôn dân luyện sắt trữ muối, khơi thông luồng lạch, khẩn hoang lập ấp, liên tiếp dựng các phường săn vùng thượng du bắt voi rừng sung vào doanh trại. Luôn mấy năm liền được mùa, vùng Ái Châu, Hoan Châu cư dân ngày càng sung túc, giao thương phát triển, các đội thương thuyền theo sông lớn ra tận cửa bể trao đổi sản vật rất tấp nập. Đinh Công Trứ lại cho lập các trạm tiếp vận nơi cửa sông rất quy củ. Cứ vài tháng, họ Đinh lại cho người đem sổ sách ra tận thành Đại La để Dương công định việc. Trong các châu, Ái Châu và Hoan Châu nhân lực sổ sách của cải lương tiền luôn minh bạch rõ ràng nhất.

Khi Đinh Công Trứ từ Hoan Châu ra, vừa vào đến tướng phủ liền tiến tới thi lễ với Ngô Quyền nói:

– Xin chúc mừng tướng quân sớm trở lại Ái Châu! Từ nay ngu huynh có thể ăn no ngủ kỹ được rồi.

Ngô Quyền tươi cười đáp lễ:

– Đinh huynh chớ nói vậy. Việc đi trước hàng quân giết địch tiểu đệ đây không dám chối từ chứ việc chăn dân mở đất quyết mong Đinh huynh dạy bảo nhiều mới được. Tiểu đệ vâng mệnh chúa công trở về Ái Châu cùng huynh giúp dân yên ổn làm ăn cũng là thực hiện đại kế sâu gốc bền rễ. Dân chúng có cường thịnh, phận làm tướng chúng ta mới được yên ổn có phải không Đinh huynh?

– Ngô tướng quân đừng quá khiêm tốn mới được. Phàm tướng giỏi đánh giặc xưa nay đều giỏi hưng dân mở cõi đó thôi. Tướng quân trên chiến trường bách chiến bách thắng xưa nay hiếm có, nay được chúa công tin tưởng giao cho vùng đất căn bản cũng là phúc trạch của muôn dân. Đinh mỗ tuy bất tài xin được phò tá Ngô tướng quân mọi việc ở Hoan Châu, Ái Châu để khỏi phụ lòng tin tưởng của chúa công.

Vừa nói, Đinh Công Trứ vừa cho gọi viên nha tướng đem đến hai chồng sổ sách biên chép đầy đủ các việc binh lương, đất đai, thổ nhưỡng, phong tục các tộc người từng vùng đất thuộc Hoan Châu, Ái Châu đến giao cho Ngô Quyền. Xưa nay, Đinh Công Trứ làm việc rất cẩn thận. Phàm những việc gì giao cho họ Đinh đều được biên chép ngày tháng cụ thể. Những việc khó như đào sông đắp cầu, đưa dân lên vùng thượng du lam sơn chướng khí khẩn hoang họ Đinh đều cho hỗ trợ gạo muối, nông cụ đầy đủ. Lại việc thành lập các phường săn voi ra nơi biên giới bẫy voi rừng thảy đều được Đinh Công Trứ đích thân uý lạo, truyền dạy kinh nghiệm trước sau cẩn thận. Mỗi đầu voi rừng bắt về, họ Đinh đều ghi vào sổ sách, còn cấp cho hai mươi lạng bạc trắng để các phường săn tiện chi dùng. Dân mạn biển khi bị bão gió đánh đắm thuyền, Đinh Công Trứ đều kiểm điểm biên chép, cho đóng mới đủ số thuyền bị hao hụt nơi cửa biển. Với các thương thuyền tới giao dịch, họ Đinh đều cho ghi nhận đầy đủ, không để nạn chèn ép lẫn nhau. Dân chúng trong vùng, bất kể là thượng dụ, hạ bạn, miền biển, miền đồi đều tâm phục khẩu phục Đinh Công Trứ.

Ngô Quyền vào Ái Châu đúng vào lúc các phường săn đang chuẩn bị cho chuyến vào rừng rậm săn voi. Mười mấy năm nay, các phường săn miền thượng du Ái Châu năm nào cũng dâng lên ba bốn chục thớt voi non để Dương công cho người rèn dạy. Khi đem quân Bắc phạt đánh đuổi bọn Lý Khắc Chính, Lý Tiến, Dương Đình Nghệ đã cho binh tướng đem theo trên trăm thớt voi chiến khiến giặc Bắc kinh hoàng. Hiểu rõ tâm ý của Dương công muốn gây dựng đội voi trận làm nanh vuốt ở thành Đại La, Đinh Công Trứ mùa săn nào cũng tập trung nhiều thợ giỏi luồn sâu vào trong rừng rậm săn bắt voi rừng. Đặc tính của đám voi rừng, mùa động dục chúng thường trở nên rất hung hãn. Đây cũng chính là mùa săn thuận lợi nhất. Có những khi, voi rừng đi thành đàn lớn năm sáu chục con, phường săn dẫu mạnh đến mấy cũng phải bỏ cuộc. Những đàn voi lớn như thế, con đầu đàn vô cùng hung mãnh và tinh quái. Nó sẽ chỉ huy đám voi cái liều chết với voi nhà. Trước sức mạnh giống nòi, đám voi nhà dường như có phần kiêng nể đồng loại mà để bày đàn dễ bề sổng thoát. Khi ấy, con voi rừng đầu đàn tinh quái còn biết chỉ huy kèm cặp đám voi non vào giữa không để thợ săn bắt được. Khó khăn là vậy, nhưng chưa năm nào Đinh Công Trứ cùng các phường săn chịu về tay không. Âu cũng là biệt tài của viên tướng họ Đinh người đất Đại Hoàng vậy.

Được Đinh Công Trứ hết lòng truyền cho cách trị nhậm, khi thì cùng ăn ở nơi rừng rậm với đám phường săn, lúc lại trần mình dầm nước xẻ gỗ đóng thuyền cùng các tráng đinh nơi cửa biển, Ngô Quyền đều đích thân thử qua mọi việc, xem xét kỹ lưỡng trước sau đồng thời cho áp dụng với muôn dân Ái Châu. Vốn có uy lớn trong toàn quân lại hết lòng vì mọi việc, muôn dân Ái Châu và các vùng phụ cận đều hết lòng tin cậy châu mục Ngô Quyền. Ái Châu kể từ đó ngày càng cường thịnh.

1. Ngô Vương: Hồi thứ nhất – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
2. Ngô Vương: Hồi thứ hai – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
3. Ngô Vương: Hồi thứ ba – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
4.
 Ngô Vương: Hồi thứ bốn – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
5. Ngô Vương: Hồi thứ năm – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
6. Ngô Vương: Hồi thứ sáu – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
7. Ngô Vương – một mô hình tiểu thuyết lịch sử