Luật tục – Truyện ngắn của Hồng Chiến

758

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong giao tiếp với thần linh, ông thầy cúng oai lắm, lão đã nói ra mọi người phải nghe theo, kể cả tù trưởng, già làng… không ai được làm trái.

Nhà văn Hồng Chiến 

Buôn O nằm lọt thỏm giữa cánh rừng đại ngàn, bên cạnh dòng sông chảy ngược hùng vĩ bắt nguồn từ phía đông, đổ nước về phía tây. Ông Tù trưởng(1) đã hơn tám chục mùa rẫy, tay còn nhấc cung bắn được con chim cu cách xa trăm bước chân. Ngôi nhà dài nhà Tù trưởng, dài như một tiếng hú có năm chục hộ gia đình cùng chung sống. Đàn voi nhà hơn chục con thả trong rừng nhờ Yang(2) chăm sóc hộ, chỉ khi nào cần đến mới vào gọi về. Đàn bò, con đầu đàn đi qua buôn hai trăm nóc nhà vẫn còn có con trong chuồng chưa ra được. Nhà nào ở đây cũng nhiều trâu, bò, heo, gà… đếm không hết. Buôn định cư nơi đây lâu lắm rồi, vì đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu. Mỗi năm làm một vụ ăn quanh năm không hết, nếu thiếu thứ gì thì vào xin mẹ rừng.

Rừng vây quanh buôn O bằng phẳng như được san lấp làm sân, thỉnh thoảng mới có một con suối xuất hiện, mang nước ra sông. Thú trong rừng nhiều như của nhà nuôi thả trong ấy, mùa khô thèm thịt rừng, cánh đàn ông rủ nhau vào bắt mang về chia cho tất cả các bếp trong buôn.

Nhà Tù trưởng có đứa cháu gái, con đầu của cháu ngoại, không những xinh đẹp lại giỏi dệt vải, may vá, thêu thùa. Thanh niên trong vùng nhiều đứa ưng bụng lắm nhưng chưa ai làm đẹp lòng cô. Vào đầu mùa khô năm ấy, cô gái theo người giúp việc vào rừng chọn vỏ cây về dệt áo cưới cho người chồng tương lai.

Đoàn người xuôi theo dòng sông đi đã lâu mà không tìm được cây ưng ý nên cứ đi mãi, đi mãi. Đêm đến ngủ lại trong rừng, cô gái thấy một con sóc rất đẹp, màu vàng, to bằng con mèo lớn, đưa hai chân trước vuốt chiếc mũi đỏ, nói:

– Muốn có cây làm vải tốt phải đi về phía mặt trời lặn một đoạn nữa mới có.

– Làm sao sóc biết?

– Không những lấy được vỏ cây ưng ý mà còn tìm được người mặc áo cưới tương lai nữa đấy.

Nghe sóc nói vậy, cô gái mắc cỡ, vung tay xua đuổi sóc, vô tình đập vào hai người nằm bên cạnh. Cả ba giật mình tỉnh giấc, trời cũng sắp sáng. Cô nằm bên phải hỏi:

– Mơ bắt được chồng hay sao mà H’Miết khua tay múa chân giữ thế?

– Chắc là Yang ban cho H’Miết một người chồng rồi phải không?

Cô nằm bên trái tiếp lời, H’Miết chỉ cười, ngồi dậy chất thêm củi vào đống lửa, có những cục than to cháy đỏ rực. Đám người đi theo giật mình, thức dậy cùng chuẩn bị bữa ăn sáng trước khi đi tiếp.

*

Mặt trời lên, chiếu những tia nắng vàng lên cánh rừng già, cô gái thúc giục mọi người đi tiếp về hướng tây. Có người không ưng, bảo đi xa quá vào đất của người buôn lạ thì sao? Cô gái bảo cứ đi đi, sắp đến nơi rồi đấy.

Gần trưa đoàn người đến gần bờ sông định dừng lại nấu ăn thì…

– H… ư… m!

Tiếng gầm như tiếng sét vang lên, một con hổ trắng xuất hiện trước mặt. Nó chậm rãi bước từng bước một tiến lại gần. Cả đám người đi theo H’Miết hoảng hốt bỏ chạy. Hình như có ai đó níu chân, H’Miết không thể bước được, mắt trợn tròn, nhìn con hổ đến gần. Chắc chắn chết rồi, mình đã làm gì không đúng mà Yang sai hổ bắt mình… H’Miết nghĩ thế, hai đầu gối hình như bị mềm ra, không đỡ nỗi cả người nữa, ngã úp mặt xuống cỏ.

Bỗng có tiêng thét vang lên:

– H… ầy!

– T… o… ét!

Kèm theo là tiếng rống của voi. Cây lao sáng loáng không biết từ đâu bay ra chắn ngay trước mặt hổ. Con hổ sợ quá, cụp đuôi quay mình chạy biến vào rừng. Tiếng cây rừng gãy đổ ầm ầm rồi một con voi lớn xuất hiện, trên cổ voi có một chàng trai cởi trần đóng khố thêu hoa văn rất đẹp, bước xuống đỡ cô gái, hỏi:

– Ở đâu đến?

– Từ đầu nguồn.

– Đến đây làm gì?

– Tìm vỏ cây dệt vải.

– Tên là gi?

– H’Miết.

Thấy H’Miết khuôn mặt như quả trứng chim phí, đôi mắt bồ câu, hàm răng trắng đều nhau như đúc từ một khuôn, nói nghe nhỏ nhẹ; chàng trai vui mừng, mời cô gái về buôn mình dùng cơm. Ama(3) chàng trai cũng là một tù trưởng giàu có, nhìn thấy cô gái con trai đưa về, trong bụng rất ngạc nhiên và ưng ý nên giữ lại. Ông sai người mổ trâu, mổ bò ăn mừng năm ngày, năm đêm rồi mới cho đưa cô gái trở về.

Chàng trai con tù trưởng cũng là người kén vợ, nhiều cô gái xinh đẹp, con các già làng, tù trưởng mang củi đến chất dưới gầm sàn(4), đều bị chàng từ chối, mang trả. Không ngờ trong đi săn lần này gặp được cô gái trong rừng nên mang lòng yêu mến. Hôm đưa cô gái ngược sông về buôn của mình, chàng tổ chức một đoàn thuyền mười ba chiếc, mỗi chiếc có bảy chàng trai khỏe mạnh, bơi ngược sông về phía mặt trời mọc.

Trong khi ấy, những người đi cùng cô gái về báo cho Tù trưởng tin dữ: Cháu gái đã bị hổ trắng ăn thịt. Cả buôn đẫm lệ, tiếng chiêng buồn thê lương vọng vào rừng già, xen trong tiếng gào khóc của đám phụ nữ. Tù trưởng quyết định làm lễ cúng cho cháu gái bảy ngày, bảy đêm rồi tổ chức một đoàn thợ săn đi tìm hổ báo thù.

Ngày cuối cùng của tang lễ, hai má tù trưởng hóp lại, mắt trũng sâu. Bọn đàn bà, con gái trong buôn đã cạn khô nước mắt. Tù trưởng ra lệnh đi gọi đàn voi của mình về. Ông thầy cúng làm lễ cúng Yang, bôi máu heo lên đầu từng con voi xin Yang phù hộ, lập công, giết được hổ trắng báo thù cho cháu Tù trưởng.

*

Đoàn thuyền ngược sông đến gần buôn, nghe tiếng chiêng buồn thảm lan tỏa trên mặt nước, cô gái nói:

– Buôn tao có người chết rồi.

– Vậy ta phải chèo nhanh lên.

Chàng trai ra lệnh, thuyền cập bến cũng vừa lúc Tù trưởng bước lên cổ voi, đưa chiếc sừng trâu rừng lên miệng định ra hiệu xuất phát. Cô gái bước xuống thuyền, vén váy chạy vội về buôn. Thật không thể tin được ở mắt mình, Tù trưởng cho voi quỳ xuống, chạy lại ôm lấy người cháu mà mình yêu quý nhất, người mà Tù trưởng đã chọn sẽ giao cho người chồng tương lai của nó thay mình cai quản vùng này.

Biết chuyện chàng trai đuổi hổ cứu cháu, tù trưởng vui lắm nên tổ chức ăn mừng bảy ngày, bảy đêm; mời người dân cả vùng về dự. Ăn mừng xong, đích thân cưỡi voi đến buôn xa hỏi chồng cho cháu. Đôi trẻ nên duyên vợ chồng.

Trai tài, gái sắc, họ sống với nhau rất hạnh phúc. H’Miết ngày ngày dệt vải, cơm nước cho chồng. Cutudi – tên chồng nàng, hàng ngày giúp Tù trưởng giải quyết công việc, được dân trong vùng kính trọng họ lắm. Mọi người tin rằng: chính Yang đã sắp xếp để H’Miết và Cutudi nên vợ nên chồng, dù nơi ở cách xa nhau nhiều lắm.

*

Đủ chín mùa trăng thêm mười ngày nữa, H’Miết trở dạ được ami đưa ra chòi rẫy để sinh – tục lệ không cho phụ nữ sinh con trong nhà. Ami dìu con gái lên chòi rồi vào rừng kiếm củ cây rừng – một loại củ chỉ có người phụ nữ Êđê biết để dùng cho phụ nữ khi sinh xong. Người nào ăn được củ ấy thì… sinh xong có thể ẳm luôn con ra suối tắm rửa, ngày hôm sau địu con lên rẫy đi làm bình thường.

Mặc dù đã được ami cho ăn củ nhưng H’Miết đau từ sáng đến chiều vẫn không sinh được, cơm không ăn, chỉ lang thang quanh quẩn ôm mấy cây cột vật vã. Cutudi lo lắm, chạy quanh rẫy để cầu xin Yang giúp đỡ mà vẫn không được. Chiều đến, Cutudi ngồi lên hòn đá trước chòi rẫy, bên cạnh dòng suối; ngửa mặt lên trời, cầu xin:

– Yang ở trên cao phù hộ cho vợ con sinh con gái; cả hai mẹ con khỏe mạnh thì phạt gì con cũng cam chịu!

H’Miết đau quằn quại mãi đến chiều, người mệt lả, gần như thiếp đi. Cửa chòi mờ mờ tối, tự nhiên bừng sáng lên, con sóc vàng bất ngờ xuất hiện ngay trước cửa chòi; hai tay để trước ngực, giương đôi mắt tròn vo nhìn H’Miết, ra vẻ buồn bả. Sóc ngồi nhìn người, người nhìn sóc một lúc lâu không nói gì.

Bỗng trên đầu sàn xuất hiện con báo đen, to hơn con chó sói; nhe răng nhọn hoắt, nhằm con sóc vàng lao tới. H’Miết sợ quá, hét lên: “A… a”! Ngay lập tức, một chớp lửa từ trời cao giáng xuống kèm theo một tiếng nổ inh tai vọng đến, cô con gái H’Miết cất tiếng khóc chào đời. Ngồi dậy cắt rốn, rồi bế con ra suối tắm để khoe với chồng, cô con gái xinh đẹp vừa được Yang ban tặng. Bước đến bờ suối, H’Miết chết lặng nhìn thấy Cutudi cháy đen, gục chết trên hòn đá bên bờ suối.

Buôn O đốt đuốc sáng rực theo atun(4) H’Miết lên rẫy đón cháu mới chào đời và nhân thể tìm hiểu xem Yang đánh cái gì mà tiếng kêu to khủng khiếp đến thế. Lên đến gần chòi canh rẫy, nghe tiếng khóc của trẻ con, mọi người vui mừng, giục nhau chạy đến. Đến bên bến nước, trông thấy cảnh đau lòng: H’Miết nằm gục bên hòn đá, một tay ôm chồng, một tay ôm con.

Tin dữ bay về buôn, tiếng trống, tiếng chiêng gõ vào rừng già âm điệu buồn thê lương. Người ta làm lễ cúng Yang, cúng người cha trẻ Cutudi tài hoa sớm về rừng tổ tiên, ông bà(5). Lão thầy cúng mặc áo đỏ có riềm màu đen, nhảy múa quanh bàn thờ rồi phán: Con bé mới sinh ra đã có tội làm chết ama mình nên phải chôn nó theo ama. Yang nói vậy. Tục lệ quy định như thế!

Lễ cúng thực hiện theo nghi lễ chín ngày đêm. Đến đêm thứ tám, chờ mọi người mỏi mệt, ngủ say; H’Miết ôm con trốn vào rừng sâu, ngược dòng sông lớn. H’Miết ngày đi, đêm mệt leo lên cây ôm con ngủ. Không biết bao nhiêu ngày đã qua, không biết phải ăn bao nhiêu quả rừng, lá rừng để sống mới tới được buôn lớn dưới chân một dãy núi cao, xin ở lại làm nghề dệt vải kiếm sống. Người trong buôn thương tình dựng cho căn nhà cuối buôn để ở.

*

Y Thịnh ngừng lời rồi với tay lật mấy con cá nướng trên đống than đỏ rực. Hồng ngồi bên cạnh lắng nghe như nuốt từng lời của bạn. Đến khi thấy Y Thịnh trở cá mới giật mình kêu lên:

– Cháy hết cá rồi!

– Tại Y Thịnh kể khan(6) hay quá mà.

H’Liêm nói như thanh minh vì để cá cháy, Y Thịnh trả lời:

– Không phải kể khan đâu mà ami mình kể chuyện atun đấy. Năm học lớp năm bị mấy đứa bạn chế giễu ami(7) không có cội nguồn; ức quá về hỏi ami, ami kể lại như thế.

– Sao bà Y Thịnh nuôi con lớn rồi lại không quay lại buôn O?

Hồng băn khoăn hỏi, H’Liêm trả lời:

– Không trở lại được đâu, vì đã phạm luật tục rồi, về để bị thiêu chết à?

Hồng băn khoăn, hỏi tiếp:

– Tù trưởng không bảo vệ được con cháu mình?

– Không được đâu, ai bị phạt thế nào đều do Yang quyết định thông qua lão thầy cúng.

H’Liêm trả lời; Hồng không chịu, nói tiếp:

– Thầy cúng to hơn ông Tù trưởng à?

– Trong giao tiếp với thần linh, ông thầy cúng oai lắm, lão đã nói ra mọi người phải nghe theo, kể cả Tù trưởng, già làng… không ai được làm trái.

Y Thịnh trả lời bạn, mắt nhìn lên triền núi phía trước mặt như tìm kiếm vật gì trên đó. Bất chợt H’Liêm nói:

– Chuyện con sóc vàng, nghe lạ quá.

– Ừ, mình cũng nghĩ như vậy, chắc là có bí ẩn gì đó mà chưa ai khám phá ra được.

Y Thịnh trả lời, H’Liêm đứng dậy chạy đi chặt hai tàu lá chuối rừng trải lên hòn đá, gọi:

– Mang cá lên đây ta liên hoan nào.

– Thời gian trôi nhanh quá, thế mà đã trưa rồi.

Hồng bê cá, Y Thịnh xách gùi lại bên hòn đá. Ba người bạn bẻ cá chấm muối ớt mang ở nhà đi, ăn với rau rừng nghe mùi vị thơm ngon cứ như tự trôi vào bụng.

Buổi sáng Chủ Nhật qua nhanh quá, ba bạn học cùng lớp 9A, rủ nhau vào rừng trổ tài câu cá suối, được nghe Y Thịnh kể lại chuyện của atun ami(9) mình làm ai cũng bùi ngùi thương cảm, xen lẫn khâm phục những người phụ nữ can đảm, dám bất chấp tất cả để bảo vệ hạnh phúc của mình.

H.C

 

Chú thích:

  1. Tù trưởng: người đứng đầu bộ lạc;
  2. Yang: thần linh – tiếng Êđê;
  3. Mang củi đến chất dưới sàn: ngõ lời cầu hôn của người phụ nữ với người mình yêu – phong tục người Êđê;
  4. Atun: người già – tiếng Êđê;
  5. Rừng tổ tiên: nơi ở của người chết – quan niệm của người Êđê;
  6. Khan: truyện cổ truyền miệng của người Êđê;
  7. Ami: mẹ – tiếng Êđê;
  8. Ama ami: bố mẹ – tiếng Êđê;
  9. Atun ami: bà ngoại – tiếng Êđê;