Theo đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, sau cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020”, đã có nhiều hình thức biểu diễn làm phong phú thêm hoạt động phổ biến, quảng bá nhằm phục vụ công chúng yêu nghệ thuật.
– Sau thành công của cuộc thi Trần Hữu Trang năm 2020, Nhà hát Trần Hữu Trang đã có kế hoạch gì để quảng bá giải thưởng này đến công chúng?
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt: Chúng tôi đã hoàn tất kế hoạch tổ chức biểu diễn tại Nhà hát TP chương trình, vở diễn mới và tổ chức tại Nhà hát Trần Hữu Trang các suất diễn giới thiệu thành quả của 19 nghệ sĩ đoạt huy chương của cuộc thi. Bên cạnh đó, còn có các chương trình sân khấu học đường, đưa những nghệ sĩ đoạt giải giao lưu với công nhân tại các KCN-KCX và tổ chức chuyến đi về nguồn cùng các nghệ sĩ thế hệ của giải Thanh Tâm, giải Trần Hữu Trang giai đoạn 1991-2014. Ngoài ra, qua fanpage và kênh YouTube Nhà hát Trần Hữu Trang, chúng tôi sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm cho các nghệ sĩ đoạt HCV, HCB và nghệ sĩ của nhà hát, nhằm mang đến cho khán giả những tiết mục mới. Đây là nỗ lực tìm lối ra cho sàn diễn cải lương thông qua quảng bá thành tựu của một mùa giải.
– Tuy nhiên, điểm nghẽn của sàn diễn cải lương hiện nay chính là khâu kịch bản. Nhà hát sẽ làm gì để tăng cường hiệu quả?
Thiếu hụt tác giả tài năng để tạo ra các tác phẩm mới và hay là điều đau đầu không chỉ của Nhà hát Trần Hữu Trang. Để truyền tải được thông điệp mà xã hội, công chúng quan tâm, đội ngũ sáng tác cần phải lắng nghe, suy ngẫm. Vì vậy, chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức đặt hàng tác giả sáng tác kịch bản dành cho mùa thi Trần Hữu Trang sau, bên cạnh đó là kế hoạch kết hợp cùng Hội Sân khấu TP HCM tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và đi thực tế. Trước mắt, ngày 3-12 tới, Hội Sân khấu TP HCM sẽ tổ chức tọa đàm rất thiết thực: “Đạo diễn và hình thức dàn dựng hiện nay”, dành cho tất cả đạo diễn cải lương, kịch nói, rối, xiếc, múa… Qua đó, từng bước quy tụ lực lượng sáng tác để hướng đến sự sáng đèn liên tục của nhà hát với những vở diễn mang hơi thở cuộc sống.
NSND Trịnh Thúy Mùi, NSND Trọng Hữu và NSND Lệ Thủy trao HCV cho 3 diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang: Võ Thành Phê, Lê Thanh Thảo và Nhã Thy.
– Sự phát triển như vũ bão của công nghệ kéo theo những thay đổi lớn trong cách tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của công chúng đang đặt sân khấu cải lương vào thế cạnh tranh khốc liệt. Và trong cuộc đua này, Nhà hát Trần Hữu Trang không thể đứng ngoài cuộc?
Đó là điều bản thân tôi chạnh lòng khi nghĩ đến diện mạo sân khấu cải lương hôm nay. Ai cũng biết phải tận dụng những thế mạnh của công nghệ 4.0 để đổi mới và phát triển sàn diễn nhưng chúng ta đã trễ một nhịp từ tầm nhìn của 10 năm trước. Hiện nay, muốn ghi dấu ấn, ngôn ngữ sân khấu phải đa phương tiện, có nghĩa bên cạnh diễn xuất của diễn viên thì thiết kế, phục trang, đạo cụ, âm nhạc, ánh sáng… cũng cần được coi là những thành tố cộng hưởng cùng tham gia chuyển tải giá trị tác phẩm. Chúng tôi đã có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực này, bên cạnh việc khuyến khích dàn dựng những tác phẩm mới đầu tư nghiêm túc về công nghệ để nâng tầm chất lượng nghệ thuật sân khấu, bắt nhịp được sự chuyển động mạnh mẽ của thời đại.
– Nhân đây, ông có những hiến kế gì cho sàn diễn cải lương phát triển?
Theo tôi, truyền hình có các khung “giờ vàng” phim Việt thì nhà hát cũng cần có chiến lược cụ thể cho từng loại hình sân khấu. Chẳng hạn, khung “giờ vàng” tương tác, đối thoại với các nghệ sĩ tên tuổi của cải lương. Trong thời buổi công nghệ, Vlog hay clip rất phát triển, nhà hát chúng tôi đang có dữ liệu và sẽ tổ chức khai thác nhằm tiếp cận đối tượng trẻ, từ đó mời gọi họ đến nhà hát. Tuy nhiên, muốn có tác phẩm mới phải có cơ chế đặt hàng, đặc biệt với các nhà hát truyền thống, nhà nước cần chú trọng đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Cải lương nếu được chăm chút đúng chuẩn như vốn có, mang hơi thở thời đại thì khán giả sẽ không thờ ơ. Tác động của cơ chế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ giải trí cũng khiến không ít tác giả, đạo diễn, diễn viên… rơi vào sự lúng túng, chạy theo thị hiếu dễ dãi, càng khiến cải lương lao dốc. Nhưng nếu chịu ngồi lại tìm giải pháp để “cứu” cải lương lúc này, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chính sách đối với nghệ thuật cải lương sẽ là lối ra bền vững.
Tạo cơ hội cho nghệ sĩ
Theo NSƯT Lê Thiện, quảng bá thành quả sau cuộc thi là một động thái cần thiết để không lãng phí tài năng nghệ sĩ. “Theo tôi, cần có chiến lược cụ thể tổ chức quảng bá ngay để các nghệ sĩ đoạt huy chương có cơ hội lan tỏa sức sáng tạo thông qua kịch bản mới. Các nghệ sĩ thi trích đoạn thì cần diễn nguyên vẹn vở tuồng để đo được sức sáng tạo mới mẻ từ một tác phẩm văn học” – bà nói.
Trong khi đó, NSND Trần Minh Ngọc đề xuất: “Để hạn chế việc chọn kịch bản cũ đi thi, các nhà hát cần chủ động trong đặt hàng sáng tác. Vở mới được viết theo tiêu chí ‘đo ni đóng giày’ sẽ là cơ hội để nghệ sĩ tạo thêm uy tín cho nghề và tỏa sáng đúng sở trường của mình”.
Thanh Hiệp/Người lao động