Quê hương – Tản mạn của Trần Ngọc Phượng

907

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cha quê Phả lại, mẹ Đồng Đắc/ Sinh con ra trên đất Sài Gòn/ Con lớn lên trên thành Nam đất dệt/ Nhớ gốc mình vùng đất Chí Linh…

Ảnh minh họa

Mặc dù trong tất cả hồ sơ lý lịch chứng minh thư đều ghi nguyên quán tôi là Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương, nhưng quá nửa đời người tôi mới có dịp về thăm quê nội. Ở đây bây giờ chỉ còn 2 người em họ chú Hòe và cô Lan, con bà cô em ruột ba tôi, cô tôi đã mất từ lâu. Chú Hòe và cô Lan đã trên 80 tuổi cả rồi. Anh chị em tôi về đây cùng họ hàng quy tập mộ ông bà nội, các cô bác, anh chị em họ hàng về khu nghĩa trang theo quy hoạch của huyện. Khu mộ nằm trên đồi cao nhìn về phường Sao Đỏ. Chí Linh quê tôi nay đã lên thành phố thuộc tỉnh Hải Dương, đây là vùng đất đia linh nhân kiệt gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu văn An, Nguyễn thị Duệ. (“Thế núi sông như trời bầy đất dựng/Linh thiêng quần tụ những anh hùng”) Chí Linh có 10 di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia, trong đó khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Hưng Đạo Đại vương Trần quốc Tuấn, anh hùng dân tộc chỉ huy chống giặc Nguyên Mông với chiến thắng Vạn Kiếp, Lục Đầu Giang lẫy lừng được thờ tại đền Kiếp Bạc. Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được thờ tại chùa Côn Sơn. Nơi dây còn đền thờ vua Lê Đại Hành và đền thờ Vạn thế sư biểu (Người thầy của muôn đời) Chu văn An.

Ngày xuân về thăm quê trong tiếng trống lễ hội rộn ràng, lòng dâng tự hào về mảnh đất quê hương. Chí Linh có khu công nghiệp hiện đại, có đường xá thông thoáng, có sân gold cao cấp… Những thay đổi ấy thời ông nội tôi, ba tôi hơn trăm năm trước chẳng bao giờ nghĩ đến. Khi tôi sinh ra ông nội không còn nữa. Ba tôi kể ông nội là ông Đồ nghèo. Quê tôi là vùng bán sơn địa, đời sông khó khăn lắm. Ba tôi bỏ quê lên Hà Nội làm ăn (“Con tìm đâu bóng dáng Cụ Đồ/ Ông nội xưa áo the khăn đống/ Ngôi nhà tranh Bà ngồi đưa võng/ Bến đò nào đưa tiễn Cha đi”) Sau khi cưới mẹ tôi ở Ninh Bình, ba mẹ tôi vào Sài Gòn lập nghiệp. Căn nhà ở và cũng là cửa hàng của gia đình tôi ở đường Đỗ Hữu Vị (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng gần chợ Bến Thành), bốn chị em tôi đều sinh ra và lớn lên ở đây. Kỷ niệm bây giờ chỉ còn lại mấy bức ảnh chụp khi gia đình còn làm ăn khá giả, trong đó có bức ảnh ngày ba tôi về cưới mẹ tôi ở Ninh Bình năm 1939. Đã hơn 80 năm rồi, nhưng nước ảnh vẫn còn rât tốt, ba tôi mặc áo comple, thắt nơ, đeo găng tay trắng. Mẹ tôi tóc vấn cao, mặc áo dài nhung lụa, cổ đeo vòng, tay ôm bó hoa. Chung quanh là ông bà, cô bác. Người già thì mặc áo the khăn đống, người trẻ thì mặc comple, thắt caravat… Năm 1949, sau khi mẹ tôi mất, gia đình tôi làm ăn khó khăn một phần vì ba tôi buồn không thiết buôn bán, một phần vì bọn mật thám Sài Gòn suốt ngày quấy nhiễu vòi tiền, vì biết ba tôi trong cách mạng tháng 8 có làm cơ sở tiếp tế cho Việt Minh, ba tôi quyết định đưa cả gia đình ra Bắc.

Nam Định là nơi bốn chị em tôi lớn lên trong cảnh gà trống nuôi con vất vả của ba. Khi miền Bắc được giải phóng năm 1954, ba tôi phải lam lũ làm đủ mọi nghề rồi trở về làm công nhân đóng giầy cho công ty xuất nhập khẩu Nam Định để nuôi bốn chị em tôi ăn học. Chị thương cha tôi vất vả nên nghỉ học sớm, đi làm để phụ nuôi các em ăn học. Cả ba anh em tôi đều vào học trường cấp 3 Lê Hồng Phong.

Nam Định là tuổi thơ của tôi, nơi đây mỗi góc phố, mái trường đều gắn bó với bao kỷ niệm đã nuôi dưỡng tâm hồn và thể chất của tôi. Dòng sông Đào, Hồ La Két, Quảng Trường, các phố phường nhỏ hẹp với những cái tên dân dã thân thương Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Cót… in dấu chân của thời niên thiếu cơ cực mà hừng hực niềm tin khát vọng. Năm 1962 tôi đi bộ đội, năm 1965 vào Nam và xa gia đình từ đó (“Con sông chảy qua một thời gian khó/ Ấm áp tình thương ngôi nhà đầu phố/ Sóng nào dìu tôi vượt sông ngày lũ/ Đò nào đưa tôi ra đi từ đó”).

Nhà thơ Trần Ngọc Phượng

Tôi vào Nam, chiến đấu ở chiến trường miền Đông. Có những lúc thọc sâu xuống tận Thủ Đức, Dĩ An. Đêm đến ra bìa rừng nhìn về Sài Gòn lòng lại thổn thức với câu thơ của Lê anh Xuân (“Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”). Thế mà cũng phải đến 10 năm mới vào được Sài Gòn, công việc đầu tiên của tôi là đi thăm mộ mẹ. Mộ khá lớn nằm ở nghĩa trang gần sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi tìm đến nhà Bác Dân, người bác họ thân thiết vơi gia đình tôi Gia đình bác gia giáo và quyền quý. Các con đều làm lớn, tướng tá của hai bên. Thấy tôi bác gái òa khóc, bác nói: “Mẹ con hồi trẻ ở chung với bác, được bác thương yêu dạy bảo buôn bán. Mẹ con hiền lành, buôn bán giỏi giang mà tình nghĩa lắm. Khi làm ăn khá giả ở Sài Gòn, ba mẹ con hay gửi quà ra Hà nội cho Bác, Năm 1943 còn gửi tầu hỏa cho bác cả cái xích lô, tôi cười: “Xích lô có quý gì đâu bác.” Bác bảo: “Hà nội lúc đó toàn dùng xe người kéo, xích lô Sài Gòn đẹp, quý như ô tô bây giờ, nhờ có xích lô mà bác thuê người hàng ngày chở hàng ra chợ Đồng Xuân buôn bán.”

Qua 10 năm bom đạn chiến tranh, tôi may mắn còn sống, chỉ bị thương nhẹ, không nhiễm chất độc da cam. Lúc nào tôi cũng đinh ninh rằng mẹ tôi đã phù hộ cho tôi vượt qua bao cái chết, sau này tôi đọc bài thơ “Viết về cha” của chị tôi, tôi càng hiểu thêm tình yêu của mẹ lớn lao, sâu nặng đến dường nào, để ba tôi một thương gia đẹp trai, hào hoa phong nhả lúc đó mới 40 tuổi đã từ bỏ mọi ham muốn quyến rũ để cả đời chung thủy với vợ ở vậy nuôi con. Mỗi lần đọc bài thơ của chị tôi, tôi không kìm nỗi nước mắt (“Mẹ từ biệt cha đi xa/ Khi tuổi cha còn rất trẻ/ Để lại đàn con thơ bé/ Xanh non như những nụ hoa/ Gian truân đắng cay khôn xiết/ Nhọc nhằn gà trống nuôi con/ Cha thường lầm rầm khấn mẹ/ Phù hộ đứa con đi xa”).

Đứa con ấy là tôi đã may mắn sống sót để rồi được trở về thăm quê mẹ ở Đồng Đắc, Kim Sơn, Ninh Bình. Quê ngoại tôi có ngôi chùa Đồng Đắc, ngôi chùa cổ xây dựng cách đây gần 200 năm khi Đức Ông Nguyễn Công Trứ vừa mới lấp biển lập nên huyện Kim Sơn ngày nay. Trong ngôi nhà từ đường thờ họ Hoàng, có tấm bia do ông ngọai tôi là cụ Hoàng Nguyên Cát Nhị trường, văn nhân, Tổng sư, Cửu phẩm Hoàng Nguyên Cát viết, ghi rõ công đức của cụ tổ: người gốc Nghĩa Hưng, Nam Định mang theo cả gia đình gồng gánh gia tài theo ngài Nguyễn công Trứ về khai khấn đất hoang lập nghiệp ở đây. Ngôi nhà xưa của ông ngoại tôi nay đã bán cho người khác, ông cậu tôi nói cảnh vật đã thay đổi nhiều, chỉ còn mái ngói, hàng cau giếng nước vẫn như xưa (“Ngôi nhà xưa cha về rước mẹ/ Ngói rêu phong giếng nước hàng cau/ Ngôi chùa cổ mẹ theo bà đi lễ/ Vẫn trăm năm tiếng mõ kinh cầu/ Khuôn mặt mẹ dịu hiền đến thế/ Con biết sao cha ở vậy nuôi con/ Lòng mẹ rộng như trời như bể/ Chở che con qua mũi đạn tên”).

Sau giải phóng, tôi lấy vợ sinh con lập nghiệp ở Sài Gòn. Đây là thành phố trẻ, tuy xáo trộn dân cư qua nhiều thời kỳ, nhưng người Sài Gòn luôn có cốt cách, hồn riêng của mình. Con người và cuộc sống của mảnh đất này: anh dũng, kiên cường, nhân ái, bao dung. Tôi hòa nhập dễ dàng tự nhiên và luôn tự nhủ sống làm việc theo tính cách hào hiệp năng động của người Sài Gòn (“Đây Sài Gòn/ Đất lành chim đậu/ Ta sinh ra biền biệt bốn phương trời/ Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ/ Gọi ta về nơi cắt rốn, chôn nhau/ Cho đến nay tóc đã bạc đấu/ Vẫn muốn hỏi/ Mình Sài Gòn chưa nhỉ?”). Không biết tự bao giờ anh em gọi mình là Anh Hai,  nghe thấy vui và gần gũi làm sao. Con cái mình lớn lên nói rặt tiếng Nam, không còn cái giọng pha tạp như bố nó. Chị em chúng lần lượt vào học trường cũng mang tên Lê Hồng Phong như cha chú chúng đã từng học ở Nam Định, chắc chúng cũng tự hào là dân Sài Gòn chính gốc. Khi thành phố ngày càng phát triển, hạ tầng cơ sở theo không kịp, sinh ra ngập nước kẹt đường và nhiều tệ nạn khác. Người nhập cư tứ xứ vào Sài Gòn ngày càng nhiều. Những năm gần đây thành phố đặt ra tiêu chí như khẩu hiệu sống: “Sài Gòn bao dung, Thành phố Hồ Chí Minh nghĩa tình”. Ở hẻm gần nhà tôi, có cậu sinh viên miền Trung ở trọ. Sáng nào đi học cậu cũng ghé qua mua xôi của chị bán hàng rong đầu hẻm. Mấy ngày thấy câu đi qua mà không ghé, chị bán xôi liền hỏi: “Này cưng, sao không ghé ăn xôi. Hết tiền à? Cứ lấy xôi mà ăn, lúc nào trả cũng được, không có cũng không sao. Không ăn làm sao mà học được”. Cả hai người đều không biết tên nhau. Nhân nghĩa Sài Gòn càng tỏa sáng trong những ngày đại dịch vừa qua. Những tháng trời phong tỏa trong hoàn cảnh kho khăn tột cùng, người dân đùm bọc giúp đỡ nhau vượt qua cơn hoạn nạn tồn vong chưa từng có. Bao câu chuyện cảm động giúp nhau từ bó rau đến ký gạo, quyết không để ai bị đói trong cuộc chiến sinh tử này mới hiểu rõ lòng người, càng thấm sâu hai chữ Đồng Bào. Bị chôn chân trong nhà giữa ngày đại dịch, nằm giữa Sài Gòn mà nhớ Sài gòn quá… Nhớ phố phường đông đúc nhộn nhịp, nhớ cà phê quán cóc bên đường (“Hãy giữ cho nhau/ Những đêm dài mơ mộng/ Cả sáng đưa em đi kẹt cứng phố phường/ Tiếng mì gõ, ngõ khuya phố vắng/ Hay tiếng Cảm ơn, Xin lỗi bao dung/ Hãy mãi mãi là Sài Gòn em nhé/ Thành phố giang tay/ Ôm trọn những kiếp người”).

Mấy năm nay vì sức khỏe và dịch bệnh tôi chưa về quê, quê đây là Nam Định, nơi bà, ba tôi đã sống cuối đời, nơi anh chị em đang sống an nhiên trong những năm tuổi già. Về quê để được thăm mộ bà, mộ ba, thắp nhang lên khu lăng mộ Trần Tộc mà anh em chúng tôi đã xây dựng, rồi mong có sức khỏe để về thăm quê nội, quê ngoại những năm cuối đời. Được về thăm lại những kỷ niệm xưa đã từng in dấu chân tuổi thơ của mình, ăn những món ăn ưa thích do anh chị và các cháu chiêu đãi. Được gặp bạn bè, được về Hải Hậu thăm người bạn xưa (“Nhớ từ cái thủa tâm binh/ Phúng phính má sửa, thùng thình áo xanh”).

Bây giờ thời kỳ hôi nhập, con cái chúng tôi cũng lên Hà Nội làm ăn và có nhiều đứa đi học rồi định cư ở nước ngoài. Nhưng đi đâu làm gì cũng nên nhớ: lời ông bà mình dạy:

Con người có Tổ, có Tông

Như cây có cội, như sông có nguồn

T.N.P